19 C
Hanoi
23/01/2025
GiaVang.Net
Image default
Phân tích Tin mới nhất

Đà tăng của USD và vàng bị “kỳ đà cản mũi”, bitcoin hồi phục mạnh

Đồng USD tăng mạnh sau khi Fed kết thúc kỳ họp tháng 9 với thông báo sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến, song đà tăng của USD bị hạn chế bởi một số NHTW lớn khác đi trước Fed trong tiến tình thắt chặt lãi suất. Trong khi đó, Bitcoin hồi phục mạnh, còn vàng ngừng tăng sau khi Evergrande “hoãn binh” việc trả lãi trong ngày 23/9.

Đồng USD giữ ở mức cao nhất 1 tháng trong ngày 23/9 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu việc sẽ nâng dần lãi suất từ năm tới – sớm hơn nhiều so với những thông báo trước đây cũng như so với kỳ vọng của nhiều người.

Kỳ họp tháng 9 của Fed đã kết thúc, theo đó ngân hàng trung ương (NHTW) Mỹ giữ nguyên lãi suất qua đêm ở mức thấp gần mức nhất trong lịch sử là từ 0% đến 0,25%, đồng thời cho biết sẽ nâng dần lãi suất lên 1% vào 2023 và 1,8% vào 2024.

Đường cong lãi suất cấp vốn của Fed bằng phẳng suốt nhiều tháng nay ở mức 0%, nhưng sau cuộc họp này có tới 50% khả năng trong kỳ họp tháng 10 tới Fed sẽ quyết định về đợt tăng lãi suất đầu tiên, dự kiến sẽ thêm 12 điểm phần trăm vào tháng 12 tới.

Ngoài ra, Fed cho biết có thể bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản hàng tháng ngay sau tháng 11 để đối phó với lạm phát – dự kiến sẽ ở mức 4,2% trong năm nay, cao gấp hơn 2 lần mục tiêu 2%.

John Briggs, chiến lược gia của NatWest Markets cho biết: “Ông Powell không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào về thời điểm bắt đầu cắt giảm kích thích kinh tế. Ông nói rằng sẽ có những cuộc bàn thảo rộng rãi trong thời gian tới về lộ trình này, và thỏa thuận sẽ chỉ “kết thúc vào giữa năm sau”. Ông nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, điều này quan trọng hơn thời điểm bắt đầu cắt giảm kích thích”.

Sau khi cuộc họp của Fed kết thúc, USD tăng mạnh, nhất là so với euro và yen. Chỉ số dollar index sáng 23/9 ở mức 93,525. Tuy nhiên, ngoài việc chịu tác động từ chính sách của Fe, tỷ giá USD còn chịu tác động từ những yếu tố bên ngoài nước Mỹ, bao gồm chính sách lãi suất của các NHTW lớn khác. Do đó, tối 23/9 theo giờ Việt Nam, dollar index giảm nhẹ về mức 93,2, trong đó giảm mạnh nhất là so với đô la Canada và các tiền tệ của khu vực Scandinavia, do một số NHTW ở Châu Âu bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ, trong đó Na Uy trở thành quốc gia phát triển đầu tiên tăng lãi suất lên 0,25%, trong bối cảnh nhiều quốc gia khác nới lỏng dần những hạn chế chống Covid-19. Ngay sau động thái này của Na Uy, đồng crore của nước này tăng 0,7% so với USD, đồng thời đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 6 so với euro, là 10,07 NOK/EUR.

Na Uy nâng lãi suất đẩy đồng crore tăng mạnh, dự kiến sẽ còn tăng tiếp

Eurozone và Anh đi chậm hơn so với các nước khác trong quá trình thắt chặt tiền tệ khiến đồng euro và bảng đều không nhích lên được.

Bảng Anh ngày 23/9 giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng sau khi các nhà đầu tư không còn hy vọng NHTW Anh sẽ tăng lãi suất sau một loạt dữ liệu kinh tế yếu ớt. Tối 23/9 theo giờ Việt Nam, bảng Anh giảm xuống xuống 1,3636 USD, dưới cả mức thấp 1,364 của phiên thứ Hai (20/9). So với euro, bảng Anh cũng giảm xuống chỉ còn 85,9 pence. Một số người vẫn kỳ vọng NHTW Anh sẽ nâng lãi suất 2 lần trong năm 2022, nhưng một số nhà phân tích cho rằng suy nghĩ đó là quá lạc quan.

Trong khi đó, yen Nhật giảm mạnh nhất hơn 3 tháng, xuống còn 109,88 JPY/USD. Yen giảm không chỉ do USD mạnh lên mà còn bởi NHTW Nhật Bản (BoJ) kết thúc kỳ họp tháng 9 (vào thứ Tư, 22/9) đã không đưa ra quyết định thay đổi nào trong chính sách tiền tệ, và thông báo sẽ chưa sớm nâng lãi suất.

Ngoài ra, yen Nhật – một tài sản trú ẩn an toàn – cũng bị tác động tiêu cực sau khi Tập đoàn bất động sản China Evergrande trấn an thị trường rằng sẽ đồng ý thanh toán lợi suất trái phiếu cho một số chủ nợ trong nước.

Đối với nhân dân tệ, việc Evergrande ra thông báo “đã giải quyết” một khoản thanh toán đến hạn vào ngày 23/9 bằng cách đàm phán riêng với chủ nợ đã làm giảm bớt khả năng vỡ nợ và nguy cơ ảnh hưởng lây lan tới thị trường tài chính, giúp cho đồng nhân dân tệ không những không giảm mạnh mà có thời điểm trong ngày còn tăng so với USD. Ngoài ra, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ngày 23/9 đã bơm 90 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống ngân hàng để hỗ trợ thị trường tránh những biến động quá mạnh.

Tỷ giá các đồng tiền châu Á chủ chốt

Tâm lý bớt lo sợ của nhà đầu tư cũng giúp đẩy tiền điện tử tăng giá. Bitcoin tối 23/9 theo giờ Việt Nam đảo chiều tăng sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó, vượt 44.000 USD, có lúc gần chạm 44.200 USD. Phiên liền trước, BTC có thời điểm xuống dưới 40.000 USD.

Giá vàng phiên này cũng có dấu hiệu ngừng tăng, một phần bởi Fed thông báo sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến, một phần bởi Evergrande đã tạm thời tránh được vỡ nợ sau khi có được giải pháp trì hoãn trả một khoản nợ.

Giá vàng thế giới giao ngay tối 23/9 ở mức 1.772,62 USD/ounce, tăng 0,3% so với phiên liền trước, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,3% xuống 1.773,80 USD.

Về triển vọng thị trường, USD, JPY và vàng sẽ tiếp tục chịu sự cạnh tranh với các tài sản rủi ro cao, như cổ phiếu và các loại tiền hàng hóa. Bên cạnh đó, sự vụ Evergrande sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường tài chính bởi những rắc rối đối với Tập đoàn này vẫn còn nguyên chưa có giải pháp lâu bền. Ngoài ra, chính sách tiền tệ của các NHTW lớn theo xu hướng thắt chặt cũng tiếp tục tác động tới đồng USD, từ đó ảnh hưởng tới giá vàng.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Vũ Ngọc Diệp

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Tin liên quan

Đang tải....