Số bệnh nhân Covid-19 trên thế giới đã vượt mức 33,8 triệu. Đại dịch này đã giết chết tổng cộng hơn 1 triệu người. Các nước nghèo có cơ hội được hỗ trợ 12 tỷ từ Ngân hàng Thế giới để mua vắc xin phòng Covid-19.
Mỹ vẫn luôn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm covid-19, với hơn 7,4 triệu ca và trên 200.000 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 44.227 người mắc bệnh, tăng so với 2 ngày trước đó (33.839 ca ngày 27/9 và 37.420 ca ngày 28/9).
Thành phố New York sẽ phạt những người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng trong bối cảnh tỷ lệ xét nghiệm dương tính với SARS-Cov-2 đã tăng trên 3% lần đầu tiên sau nhiều tháng. Theo thị trưởng Bill de Blasio, bước đầu, chính quyền thành phố sẽ cung cấp khẩu trang miễn phí cho những người không đeo, nhưng sau đó sẽ áp dụng các hình phạt cụ thể.
Sau Mỹ là Ấn Độ với hơn 6,22 triệu ca mắc và 97.541 ca tử vong. Tuy đứng sau Mỹ về tổng số ca nhiễm, nhưng nước này đang có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, khoảng 80.000 ca/ngày.
Đứng thứ 3 là Brazil với trên 4,78 triệu ca mắc, trong đó có 143.010 ca tử vong.
Nga, quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 4 thế giới với 1,176,286 trường hợp, trong đó có 20,722 ca tử vong, đang ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại từ ngày 1/9. Trong 2 ngày qua, Nga ghi nhận hơn 8.000 ca mỗi ngày.
Nga cho biết không có kế hoạch áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, tuy nhiên thủ đô Mátxcơva sẽ kéo dài kỳ nghỉ trong tháng 10 của học sinh lên 2 tuần.
Nga cũng đã lên kế hoạch công bố kết quả sơ bộ thử nghiệm vaccine Sputnik V vào cuối tháng 10, sau 6 tuần đầu theo dõi. Hôm 29/9, Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Gamaleya, nơi phát triển vaccine cho biết, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo trong thử nghiệm Sputnik V giai đoạn 3. Chỉ 15% tình nguyện viên có phản ứng phụ nhẹ, đã nằm trong dự đoán, sau khi tiêm vaccine. 25% được dùng giả dược.
Kết quả thử nghiệm sơ bộ có thể giúp đưa ra thông báo về quyết định có hay không mở rộng đợt tiêm chủng đại trà, bắt đầu với người trên 60 tuổi.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố kế hoạch hỗ trợ tới 12 tỷ USD cho các nước nghèo để mua vắc xin phòng Covid-19.
Kế hoạch này ước tính có thể giúp điều trị khoảng 2 tỷ người ngay khi các loại vắc xin hiệu nghiệm được tung ra. Nhằm đảm bảo các nước với thu nhập thấp không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch, WB cũng đã đề nghị các quốc gia cổ đông giàu có chủ chốt đảm bảo việc giải ngân trong vòng 12-18 tháng tới.
Tổng hợp