Trong phiên giao dịch ngày 16/11 theo giờ Mỹ, giá vàng thế giới đã có lúc chạm ngưỡng 1.872,8 USD/ounce – mức giá cao nhất trong vòng hơn 5 tháng qua.
Trong phiên giao dịch ngày 16/11 theo giờ Mỹ, giá vàng thế giới đã có lúc chạm mốc 1.872,8 USD/ounce, cao hơn gần 10 USD so với phiên trước đó. Đây là mức giá cao nhất trong vòng hơn 5 tháng qua, sau khi kim loại quý này trở thành hầm trú ẩn an toàn cho phần lớn giới đầu tư vốn đang lo ngại về một kịch bản lạm phát leo thang.
Đà tăng này diễn ra ngay cả khi giá đồng bạc xanh đang tiến sát mốc cao nhất sau 16 tháng, còn lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giao động ổn định quanh mức đỉnh 3 tuần.
Theo Han Tan, Giám đốc phân tích thị trường tại Exinity, “Quan điểm rằng lạm phát Mỹ chưa đạt đỉnh đã giúp vàng tăng giá, miễn là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED không thay đổi cách tiếp cận kiên nhẫn của mình đối với lãi suất”. Do vậy, ngay khi dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 của một loạt hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đạt mức cao nhất trong 30 năm, giới đầu tư toàn cầu càng mạnh tay “gom” vàng.
Cơn “sốt” vàng trên toàn cầu
Theo các chuyên gia, thị trường vàng nhận được nhiều trợ lực từ chính sách tiền tệ và lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi cơ quan này quyết định giữ nguyên các mốc gần 0 và không đưa ra tín hiệu cụ thể về thời điểm có thể tăng trở lại.
Động thái duy nhất FED đưa ra là giảm bơm tiền vào nền kinh tế thông qua việc mua trái phiếu, bắt đầu từ tháng 11. Trong gói 120 tỷ USD tung ra mua trái phiếu mỗi tháng, FED cũng cắt 10 tỷ trong danh mục mua trái phiếu kho bạc và 5 tỷ trong chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. Bước đi trên của FED được nhận định là phù hợp với dự báo và không tạo ra cú shock lớn cho thị trường, tuy nhiên, lại chưa đủ để kìm hãm đà tăng của lạm phát.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây cũng phát đi tín hiệu rằng ngân hàng này không có ý định tăng lãi suất vào năm sau, bất chấp tình trạng lạm phát gia tăng. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng các điều kiện để kích hoạt việc tăng lãi suất “rất khó có thể được thỏa mãn trong năm 2022”, dù lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đạt 4,1% trong tháng 10 vừa qua.
Theo ông EB Tucker, Giám đốc tại Metalla Royal, tình trạng lạm phát tăng cao và thậm chí có thể kéo dài sang năm 2022 này chính là động lực để các nhà đầu tư tìm đến hầm vàng trú ẩn. “Trong bối cảnh lạm phát còn gia tăng, những tài sản trú ẩn an toàn như vàng sẽ được hưởng lợi”.
Hồi tháng 10, nhà phân tích thị trường cấp cao Jeffrey Halley tại công ty tư vấn tài chính OANDA cũng nhận định vàng sẽ tăng giá vào cuối năm nay và có khả năng được giao dịch trong khoảng từ 1.880 đến 1.920 USD/ounce trong ngắn hạn.
Dữ liệu từ Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai Mỹ cho thấy, các quỹ đầu cơ đã đổ xô mua vàng trong tuần kết thúc vào ngày 9/11, nâng mức đặt cược ròng vào sự tăng giá của vàng lên cao nhất kể từ đầu năm nay. Theo ông Chris Gaffney, Chủ tịch phụ trách thị trường toàn cầu của TIAA Bank, rất nhiều nhà đầu tư mua vàng để tránh rủi ro lạm phát.
Các nhà phân tích của Citigroup cũng nhận định, việc giá vàng vượt 1.850 USD/ounce có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới tìm đến vàng. Cột mốc 1.900 USD/ounce theo đó trở thành ngưỡng giá trong tầm tay. “Dù tỷ giá đồng USD đi lên, giá vàng vẫn tìm được động lực tăng giá và lấy đà từ lạm phát”, chuyên gia Ed Meir thuộc ED&F Man Capital Markets cho biết.
Theo Chủ tịch FED chi nhánh Minneapolis ông Neel Kashkari, nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đà tăng lạm phát trong vài tháng tới. Nhận định trên được ông đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng CBS News, qua đó càng củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư tìm tới vàng.
Cổ phiếu của nhiều công ty khai thác mỏ theo đó được giới đầu tư đặc biệt quan tâm. Tuần trước, cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của tập đoàn khai thác vàng Barrick Gold đã tăng 7,3%. Cổ phiếu của công ty khai thác vàng Mỹ Newmont tăng gần 5%. Chứng chỉ quỹ chuyên đầu tư cổ phiếu các công ty khai mỏ vàng VanEck Gold Miners ETF cũng leo dốc 6,1%.
Triển vọng tăng giá cũng đối mặt với nhiều rủi ro
Dù theo ông Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích tại công ty chuyên giao dịch vàng vật chất Kinesis Money (Liechtenstein), các nhà đầu tư lo sợ lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát và lựa chọn mua vàng để phòng ngừa rủi ro, song việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất vẫn là một rủi ro tiềm ẩn đối với vàng. Ông cho rằng chỉ khi vàng bứt phá rõ ràng trên ngưỡng 1.875 USD/ounce, thứ kim loại quý này mới có thể kéo dài đà tăng giá.
Bên cạnh đó, việc đồng USD mạnh lên sau số liệu tiêu dùng tích cực của Mỹ cũng có thể cản trở đà tăng giá vàng. Theo số liệu Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố, doanh số bán lẻ tháng 10/2021 của nước này tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,8% của tháng trước và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2021.
Dữ liệu vượt xa mọi sự mong đợi của các chuỗi cửa hàng bán lẻ đã “vẽ” nên một bức tranh khá tươi sáng về hoạt động tiêu dùng Mỹ, bất chấp những nút thắt mà chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thể tháo gỡ.
Theo Ông Ajay Kedia, Giám đốc công ty môi giới đầu tư Kedia Commodities ở Mumbai, Ấn Độ, giá vàng có thể sẽ giảm xuống còn 1.830 USD/ounce nếu đồng bạc xanh mạnh lên và FED đưa ra chỉ dấu về việc tăng lãi suất vào năm 2022 do lạm phát tăng quá nóng. Doug McMillon, Giám đốc điều hành của hãng bán lẻ Walmart cho biết: “Chúng tôi đã không chứng kiến tình trạng lạm phát tăng mạnh như vậy tại Mỹ trong một khoảng thời gian dài”.
Ông Neil Saunders, Giám đốc điều hành tại GlobalData cũng nhận định: “Nhìn xa hơn, nếu không sớm được khống chế, lạm phát có thể trở thành lực cản lớn của tăng trưởng kinh tế. Điều này rất rủi ro, đặc biệt là khi mùa đông năm nay trở nên lạnh hơn khiến nhu cầu sưởi ấm và sử dụng nhiên liệu tăng cao”.
Ngày 10/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định việc chống lạm phát là “ưu tiên hàng đầu” của Chính phủ Mỹ sau khi số liệu được công bố trước đó cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ trong tháng 10/2021 đã tăng với tốc độ mạnh nhất trong vòng 31 năm. Theo Cục Thống kê Bộ Lao động, lạm phát tăng là do đà leo thang của tất cả các mặt hàng, chủ yếu là giá năng lượng, chỗ ở, thực phẩm, xe hơi, xe tải đã qua sử dụng…
Điều này tạo ra nhiều sức ép đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc thu hẹp quy mô chương trình nghị sự kinh tế cũng như nỗ lực củng cố dự luật khí hậu và dịch vụ xã hội trị giá 1.750 tỷ USD trước Lễ Tạ ơn. Nhiều chuyên gia cho rằng kế hoạch “Xây dựng nước Mỹ tốt đẹp hơn” thực sự có thể kiềm chế lạm phát nếu các khoản đầu tư của dự luật có thể giúp hàng triệu người lao động quay trở lại làm việc. Khi đó, vàng sẽ không còn là kênh đầu tư được ưa chuộng nhất.
Tiền kỹ thuật số cũng được cho là yếu tố có thể che mờ triển vọng tăng giá của giá vàng. Một số người ủng hộ Bitcoin cho rằng đồng tiền này có thể thay thế vàng và trở thành một kênh đầu tư chống lạm phát. “Bitcoin dường như đang tăng giá nhờ thông tin về lạm phát của Mỹ. Các nhà đầu tư coi Bitcoin như một “hàng rào” lạm phát, dù không phải lúc nào đồng tiền này cũng hoạt động theo cách đó” – ông Neil Wilson, Trưởng bộ phận Phân tích tại Markets.com cho biết.
Theo VTV