23 C
Hanoi
21/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Tin mới nhất Vàng

Có bất thường khi vàng nhẫn ngang giá vàng miếng?

(GVNET) – Mặt hàng vàng nhẫn – thường xuyên chuyển động theo xu hướng của giá vàng thế giới, có mức chênh với vàng miếng khoảng trên dưới 10 triệu đồng/lượng đầu năm, giờ chỉ còn chênh vài trăm nghìn đồng tới hơn 1 triệu đồng. Điều này liệu có bất thường?

Giá vàng miếng SJC đã không còn biến động hàng triệu đồng mỗi ngày như trước đây. Từ mức thường xuyên cao hơn vàng thế giới từ 10-14 triệu đồng/lượng, thậm chí một số thời điểm cách biệt ở mức kỷ lục 18-20 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC hiện chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2-4 triệu đồng/lượng.

Trong nhiều năm qua, giá vàng nhẫn luôn thấp hơn nhiều so với vàng miếng SJC. Vào đầu năm nay, chênh lệch giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng vẫn còn khá cao, dao động trên dưới 10 triệu đồng/lượng. Nhưng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai bán vàng miếng với giá “bình ổn”, mức chênh giữa hai mặt hàng này cũng dần được thu hẹp, đến hiện tại chỉ còn khoảng 600.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng chiều bán ra, vàng nhẫn chiều mua vào thậm chí có nơi còn cao hơn giá mua vàng miếng.

Nguyên nhân là do giá vàng miếng duy trì bình ổn trong hơn 1 tháng qua, trong khi mặt hàng vàng nhẫn vẫn liên tục biến động theo xu hướng điều chỉnh của giá vàng thế giới, nên khi vàng thế giới tăng mạnh, sẽ đẩy giá vàng nhẫn đi lên.

Chuyên gia đánh giá giá vàng nhẫn tiệm cận với vàng SJC là điều rất bình thường

Theo chuyên gia kinh tế – TS. Nguyễn Minh Phong, việc giá vàng nhẫn tiệm cận với giá vàng miếng SJC cho thấy thị trường vàng đang bình thường trở lại. Theo ông Phong, nguyên nhân vàng miếng đắt hơn là do trước đây chúng ta quá sùng bái vàng miếng SJC nên giá vàng miếng mới được đà tăng cao như vậy.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) cho rằng, việc giá vàng nhẫn tiệm cận với giá vàng SJC là điều rất bình thường. Vì giá vàng miếng thực sự không phải là mức giá này, đây là giá do các ngân hàng thương mại ấn định, còn giá giao dịch thật chắc chắn phải cao hơn, tức là giá được mua ở thị trường tự do.

Đầu tiên, tiệm vàng sẽ không bán vàng miếng SJC hoặc nếu có thì sẽ bán chênh lệch. Lúc này sẽ hình thành khái niệm mới đó là chênh lệch giữa giá vàng trong ngân hàng và giá vàng ngoài ngân hàng. Thậm chí, có hiện tượng thuê người đến các ngân hàng xếp hàng mua vàng để đem về bán, hưởng chênh lệch, thế nhưng việc mua vàng tại ngân hàng cũng gặp khó khăn.

Cách điều hành thị trường vàng đang giống như điều hành tỷ giá, giá vàng được ấn định chỉ là giá trên danh nghĩa, còn thực tế vẫn không thể bình ổn giá và người dân vẫn mua với giá cao. Trong thời gian tới, giá vàng nhẫn có thể cao hơn cả giá vàng SJC và đây là chuyện rất bình thường. Vì vàng nhẫn giao dịch theo cơ chế thị trường và được quyết định bởi tổ chức, cá nhân giao dịch trên thị trường tự do.

Hiện nay, Ngân hàng chỉ bình ổn giá vàng miếng SJC chứ không bình ổn giá vàng nhẫn. Về nguyên tắc, cái gì không bình ổn thì sẽ tăng.

Đánh giá về việc ấn định giá mua bán vàng miếng, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. hiện, chênh lệch giá vàng thế giới chỉ còn gần 4 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Huân đây chỉ là hiệu quả về mặt danh nghĩa. Hiện tại, người dân cũng khó mua vàng, nếu mua online chỉ 5-10 phút là hết lượt và giới hạn 1 người chỉ được mua 1 lượng trong vòng 1 tuần. Theo khảo sát, rất ít người có thể mua được vàng hoặc phải chấp nhận mua chênh lệch vài triệu đồng/lượng mới mua được vàng SJC. Do đó, thực sự thì không hiệu quả, người dân muốn mua được vàng với giá đó cũng không mua được, hoặc phải mua chênh lệch, do vậy hình thành giá vàng 2 thị trường và xuất hiện thị trường “chợ đen”.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia – giải pháp ổn định thị trường vàng miếng và thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới của Ngân hàng Nhà nước tính đến thời điểm này đã phát huy hiệu quả.

Còn TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), nhìn nhận việc ngân hàng bán trực tiếp vàng miếng cho người dân giúp thu hẹp được chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước. Nhưng nếu Nhà nước không khuyến khích người dân nắm giữ vàng thì không nên đưa giá vàng trong nước xuống ngang hoặc sát với giá thế giới mà nên có một khoảng cách chấp nhận được.

Như thế, người dân nhận thấy mua vàng là có rủi ro, từ đó làm giảm nhu cầu về vàng. Đồng thời, khi sửa Nghị định 24 có thể cân nhắc quy định khi giá vàng trong nước chênh lệch giá thế giới 10%thì Ngân hàng Nhà nước được phép can thiệp.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....