Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) đã gây ra một cơn hoảng loạn trong cộng đồng đầu tư mạo hiểm và nguồn cơn của sự sụp đổ này được cho là đến từ động thái nâng lãi suất của Fed. Sự kiện này có thể sẽ khiến Fed xem xét và điều chỉnh nhẹ kế hoạch điều hành lãi suất thời gian tới.
Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc SVB sụp đổ có gây ra tác động đối với thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam nhưng không nhiều.
SVB hiện đang có hoạt động tại Anh, Đức, Đan Mạch, Israel, Trung Quốc, song theo chuyên gia việc đóng cửa của ngân hàng này sẽ có thể sẽ khó gây ra hậu quả lan truyền trên thị trường tài chính khi đã được can thiệp sớm từ FDIC và SVB là ngân hàng đặc thù, với nhóm khách hàng ngách.
Với tác động trực tiếp, chỉ số chứng khoán toàn cầu đã và đang giảm nhẹ, còn biến động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn việc huy động vốn của các công ty công nghệ, startups toàn cầu sẽ khó khăn hơn và bị đánh giá rủi ro hơn, nên có thể sẽ phải trả lãi suất cao hơn.
Với tác động gián tiếp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, sự cố SVB có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xem xét và điều chỉnh nhẹ kế hoạch điều hành lãi suất thời gian tới. Điều này sẽ tác động tới chính sách tỷ giá, tiền tệ của Việt Nam.
Chia sẻ cụ thể về vấn đề này, TS. Lực cho hay, sau vụ sụp đổ của SVB, nhiều khả năng Fed sẽ phải điều chỉnh kế hoạch tăng lãi suất theo hướng tăng ít hơn và có thể dừng lại trong quý II/2023.
Nguyên nhân là do thị trường tài chính đang bị xáo trộn, SVB phá sản đã làm rúng động nước Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu. Các thị trường chứng khoán lao dốc, giá vàng tăng và ngân hàng trung ương nhiều nước phải trấn an dư luận.
Do đó, việc Fed tăng mạnh lãi suất trong bối cảnh này sẽ khiến thị trường tài chính hứng chịu thêm một cú sốc mới. Vì vậy, nhiều khả năng Fed sẽ giảm bớt mức tăng trong các lần tăng lãi suất tiếp theo dù trước đó Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đã có những tuyên bố cứng rắn về tăng mạnh lãi suất để để kiểm soát lạm phát .
Giới chuyên gia quốc tế cũng nhận định, Fed có thể sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 3 thay vì tăng 25 điểm cơ bản như nhận định trước đó.
Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, Fed có thể không tăng lãi suất sau hai vụ sụp đổ ngân hàng vừa xảy ra vào cuối tuần qua của Silicon Valley Bank và Signature Bank.
Goldman Sachs đã từ bỏ dự báo Fed nâng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 22/3 tới và cho rằng sẽ không có đợt nâng nào. Trước đó, Goldman Sachs dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 4,75-5%/năm trong cuộc họp trong tháng 3/2023.
Theo nhận định của TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, sẽ có tâm lý lan truyền về sự sụp đổ, có thể Silicon Valley Bank không phải là ngân hàng duy nhất ở Mỹ đang gặp khó khăn, bởi vì xu hướng đầu tư trái phiếu của các ngân hàng ở Mỹ rất nhiều. Đây là điều không tách bạch giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư mà gây ra tình trạng này.
Năm 2007-2009, sau cuộc khủng hoảng về ngân hàng, mọi quy định về ngân hàng không thay đổi trên toàn thế giới và đặc biệt là ở Mỹ, thì khả năng xảy ra sự sụp đổ tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian. Cũng chính vì không thay đổi những quy định về kiểm soát rủi ro, thì sự sụp đổ của Silicon Valley Bank là một dấu hiệu cảnh báo khả năng về cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra. Và nhiều khả năng có thể mang lại hiệu ứng domino ở Mỹ.
Và sự việc tại SVB lần này cũng tương tự giai đoạn 2007-2009, nó cũng sẽ tác động đến Việt Nam nhưng sẽ có độ trễ hơn.
Ở Việt Nam, các ngân hàng hiện nay cũng đang gặp tình trạng tương tự khi vẫn huy động vốn ngắn hạn để mua trái phiếu. Và những ngân hàng đang đứng đầu bảng về huy động lãi suất hiện nay đều là những ngân hàng đang kinh doanh trái phiếu nhiều. Do kinh doanh trái phiếu nhiều như vậy, nên khi người dân rút tiền ngắn hạn, sẽ gây ra việc mất thanh khoản của các ngân hàng này và buộc họ phải nâng lãi suất lên để huy động vốn. Và nó kéo theo cuộc đua lãi suất như hiện nay.
Nếu như SVB sụp đổ thì khả năng các ngân hàng Việt Nam cũng có thể tiếp bước, nhưng trường hợp tại Việt Nam thì hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra giải cứu, chứ không như trường hợp của Mỹ.
Theo của TS. Huân, việc sụp đổ của Silicon Valley Bank cũng có thể khiến Fed cân nhắc lại về việc nâng lãi suất theo nữa hay không. Vì Fed sẽ đánh giá lại rủi ro của hệ thống ngân hàng Mỹ hiện tại, nếu như quá nhiều ngân hàng đang gặp tình trạng tương tự thì việc tăng lãi suất sẽ gây ảnh hưởng đến các ngân hàng này.
Trước đó, nhà quản lý quỹ đầu cơ Bill Ackman đã viết trên Twitter: “Rủi ro sụp đổ và mất tiền gửi ở thời điểm này sẽ là các ngân hàng có mức an toàn vốn thấp sẽ đối mặt với nguy cơ bị rút tiền ồ ạt và sụp đổ sau đó. Hiệu ứng domino sẽ xảy ra”.
Giavang.net