20 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh nghiệm Tin mới nhất Vàng

Chuyên gia lý giải việc vàng nhẫn rơi vào tình trạng “cháy hàng”

Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm của hầu hết các ngân hàng duy trì ở mức dưới 5%/năm, nhiều người dân đã chọn vàng là kênh đầu tư, tích trữ tài sản khiến giá kim loại quý trong nước những ngày qua liên tiếp duy trì ở mức cao.

Giá vàng nhẫn tròn trơn liên tục bị đẩy lên cao, nhưng nhu cầu mua vẫn không giảm. Mặt hàng này gần đây có những thời điểm rơi vào tình trạng “khan hàng”, như giai đoạn sau Tết Nguyên đán đến ngày vía Thần Tài. Nhiều cửa hàng của các thương hiệu lớn như DOJI, PNJ tại TP HCM và Hà Nội dịp vía Thần tài giới hạn khách hàng mua nhẫn tròn trơn.

Ảnh minh họa

Ghi nhận tại một số cửa hàng vàng lớn tại Hà Nội và TPHCM đang diễn ra việc tạm hết vàng miếng, vàng nhẫn loại 1 chỉ, 5 phân. Các cửa hàng đa số còn vàng SJC loại 1 lượng, vàng nhẫn cũng hiếm hàng.

Theo các chuyên gia, việc vàng nhẫn, vàng miếng khan hiếm sau ngày vía Thần Tài là chuyện bình thường, năm nào cũng diễn ra. Về cơ bản, các loại vàng 5 phân, 1 chỉ chỉ phục cho ngày trên, còn ngày thông thường các cửa hàng sẽ tập trung bán vàng trang sức.

Bên cạnh đó, nhu cầu của vàng chỉ cũng không có quá nhiều ở những ngày thường. Người dân không có nhu cầu mua thì các “nhà vàng” không nhập về nhiều để bán. Thị trường vàng miếng, vàng nhẫn chỉ được tiêu thụ nhiều vào dịp đầu, cuối năm và ngày Thần Tài. Do đó thị trường có phần khan hiếm các sản phẩm dưới 1 chỉ cũng không phải việc quá khó hiểu.

Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA), cho biết nhu cầu mua vàng trang sức ở Việt Nam ngày càng tăng, từ mua vàng để dành, tích trữ sang làm đẹp, nên các sản phẩm vàng phân khúc trung và cao cấp còn rất nhiều dư địa tăng trưởng.

Theo ông Bảng, mỗi năm ước tính các doanh nghiệp đã mua khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng rủi ro rất lớn vì nguồn nguyên liệu không đến từ nhập khẩu chính thức. Nguyên do là hơn chục năm nay, từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, thời gian qua, chưa doanh nghiệp nào được cấp phép nhập vàng nguyên liệu.

Theo một doanh nghiệp kinh doanh vàng, do rủi ro mua vàng trôi nổi trên thị trường rất lớn nên các doanh nghiệp hạn chế mua. Chủ yếu doanh nghiệp mua lại vàng theo hóa đơn bán ra của các doanh nghiệp hoặc mua theo hóa đơn của doanh nghiệp khai thác. Kết quả là doanh nghiệp vàng chỉ sản xuất cầm chừng chứ không dám “bung mạnh” như trước đó, vì vậy lượng vàng nhẫn tròn trơn 24K không còn dồi dào như các năm trước.

Bên cạnh nguyên nhân do nguồn nguyên liệu chế tác vàng của doanh nghiệp hạn chế, một bộ phận người dân chuyển từ mua vàng miếng SJC sang mua nhẫn tròn trơn 24K nhằm chờ đợi động thái mới của cơ quan quản lý trong lúc đang sửa đổi Nghị định 24 về việc có độc quyền vàng miếng SJC hay không cũng khiến mặt hàng này nhanh chóng khan hàng trong dịp cao điểm.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đề nghị NHNN giải bài toán nguồn cung, cho phép các doanh nghiệp lớn, có uy tín nhập khẩu vàng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu vàng trang sức, vàng nhẫn, qua đó thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Cùng với đó, doanh nghiệp kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng theo hướng cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng SJC, tăng cung cho thị trường.

“Nếu không giải bài toán về nguồn cung thông qua cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng, người mua vàng trong nước sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi do phải mua vàng trong nước đắt hơn giá thế giới”, ông Huỳnh Trung Khánh – Cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhìn nhận.

Theo ông Khánh, cần cấp thiết sửa đổi quy định quản lý thị trường vàng theo hướng sửa đổi không còn độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Nếu không cho mở cửa nhập khẩu và cởi bỏ độc quyền thì nguồn vàng không chính ngạch vẫn vào thị trường khi cung vàng trong nước khan hiếm và giá cao hơn quốc tế. Vả lại, hiện tất cả các nước trong khu vực đều có thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường quốc tế. Trong khi đó, giá vàng ở Việt Nam luôn cao hơn quốc tế 15-17 triệu đồng/lượng và có thời điểm lên đến 19-20 triệu đồng/lượng khiến người mua vàng trong nước chịu thiệt.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Cùng ngày, về phía Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng.

Phó Thủ tướng Lê Minh khái cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng tổng kết Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và báo cáo kết quả thanh tra thị trường vàng trong tháng 2.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....