Kể từ tháng 2/2020; cơn sóng thần mang tên “Covid-19” đã quét qua Trung Quốc và giờ đây đang nhấn chìm thành quả của cả nền kinh tế toàn cầu. Các siêu cường như Mỹ, Nhật, Đức… đang bơm tiền chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính để cứu vớt nền kinh tế. Tuy nhiên, mọi nỗ lực dường như đều là chưa đủ để xoa dịu nhà đầu tư. Chứng khoán, dầu thô rớt giá kỉ lục. Thậm chí, vàng – thứ mà người ta gọi là nơi trú ẩn thiên đường, cũng mất giá mạnh sau đà tăng lên đỉnh 7 năm hồi đầu tháng 3. Thứ duy nhất mà nhà đầu tư muốn có là tiền mặt, và thứ tiền mặt họ muốn có nhất lúc này là USD.
Vì sao đôla Mỹ tăng giá?
Nhà đầu tư có xu hướng mua đôla trong thời kỳ bất ổn địa chính trị và thị trường tài chính biến động, do đồng tiền này được coi là tài sản an toàn. Cũng như việc các gia đình tích trữ nhu yếu phẩm, nhà đầu tư và các công ty, đặc biệt là ngân hàng và quỹ đầu tư, tích trữ đôla Mỹ để vượt qua thời kỳ khó khăn. Nhu cầu này gần đây đột ngột tăng cao, khiến đôla Mỹ trên thế giới đắt đỏ và thiếu hụt.
Từ đầu tháng này, các thị trường chứng khoán liên tục lao dốc. Lợi suất trái phiếu chính phủ cũng vậy. Cùng một lúc, giới chức phải giải quyết hai vấn đề. Chứng khoán và lợi suất trái phiếu đi xuống là dấu hiệu thị trường đang chịu sức ép.
Việc này thôi thúc các công ty tích trữ đôla Mỹ để bù đắp doanh thu thiếu hụt. “Mọi người đang tìm đến tài sản an toàn nhất có thể. Và đó là đôla Mỹ”, Nick Maroutsos – Giám đốc Trái phiếu toàn cầu tại Janus Henderson nhận xét, “Không có nơi nào để trú ẩn hết. Mọi người đang nhận ra rằng họ cần phòng thủ càng chắc càng tốt, tức là phải nắm giữ tiền mặt và một số tài sản hết mức có thể”.
Chuyên gia Việt Nam nói gì về đà tăng của USD và vị thế đầu tư vàng?
Theo chuyên gia kinh tế – tài chính LS.TS Bùi Quang Tín, trước tình hình dịch COVID-19 lan rộng ở Mỹ, châu Âu và châu Á, các nhà đầu tư chứng khoán đã vội bán tháo cổ phiếu, thậm chí là vàng để đổi sang giữ tiền mặt – được xem đây là kênh trú ẩn an toàn nhất hiện nay. Bởi chỉ có tiền, người dân mới có thể mua được lương thực và thực phẩm khi dịch bệnh ngày càng rộng, giúp họ có thể sống sót trong thời điểm này.
Khi nói đến diễn biến giá vàng trong nước, chuyên gia Bùi Quang Tín cũng cho biết, Nghị định 24 của Chính phủ về siết chặt quản lý vàng đã được thực hiện, do đó, không còn tình trạng đầu cơ vàng như nhiều năm trước. Mặt khác, giá vàng trong nước và thế giới không liên thông nhau do Ngân hàng Nhà nước được phép nhập khẩu vàng. Vì vậy, vàng trong nước biến chuyển theo cung cầu trong nước thay vì cung cầu thế giới.
Cùng quan điểm, TS Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương chỉ ra đến thời điểm này, “chúng ta chưa thể lường hết tác động của Covid -19 và cuộc chiến giá dầu đến nền kinh tế. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, rủi ro cao, nhà đầu tư thường có một số cách đảm bảo giá trị đầu tư như đa dạng hoá các tài sản có thể nắm giữ”, TS Thành lưu ý. Theo ông, trước đây, nhà đầu tư thường tìm đến vàng là tài sản trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, với tình hình khủng hoảng hiện nay, giá vàng biến động quá lớn do đầu cơ và không còn thu hút được nhà đầu tư.
“Trong khủng hoảng, nhà đầu tư hay tìm đến làm “hầm trú ẩn” với loại tài sản như bất động sản, và hi vọng khủng hoảng nhất thời, nhanh chóng qua đi. Hoặc nhà đầu tư đi tìm tài sản tài chính ở các quốc gia có độ tin cậy cao như Trái phiếu Nhật Bản, đồng USD. Nhưng bối cảnh hiện nay, các quốc gia này chưa chắc đã có độ an toàn cao. Còn tại khủng hoảng lần này, ưu tiên số 1 của nhà đầu tư là tiền mặt. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư bán mọi tài sản để nắm giữ tiền mặt”, ông Thành cho biết.
Ngân hàng Nhà nước tuần qua đã ban hành chính sách lãi suất mới có hiệu lực kể từ ngày 17/3/2020, với điểm chính là giảm chi phí huy động của các ngân hàng và tăng lãi các khoản tiền gửi của ngân hàng tại NHNN. Điều này tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế. Theo nhóm phân tích SSI, dự báo tới đây lãi suất huy động sẽ giảm để kéo lãi suất cho vay giảm nhưng cũng chỉ ở những kỳ hạn ngắn. Còn lãi suất tiền gửi VND trên 6 tháng vẫn giữ nguyên ở mức khá cao (tại nhiều NHTM cổ phần là trên 7%).
Còn theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, vàng thế giới giảm và rất bất ổn do nhiều nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường chứng khoán. Vì thế, đã rất nhiều nhà đầu tư mất tiền ở thị trường này phải lấy tiền ra khỏi vàng để bù lỗ thanh khoản chứng khoán. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhà đầu tư thường không liên kết chặt chẽ danh mục các khoản đầu tư giữa thị trường như vàng, chứng khoán, hay bất động sản… vì vậy, dù chứng khoán trong nước cũng giảm thời gian qua nhưng không khiến nhà đầu tư phải bán vàng đi để bù lỗ như ở Mỹ. Đây là nguyên nhân chính khiến vàng trong nước dù cũng có xu hướng giảm cùng thế giới, nhưng vẫn ổn định và cao hơn vàng thế giới.
Còn ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam (VGB), cho rằng yếu tố chính khiến vàng trong nước không giảm mạnh là việc các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đã rút ra được bài học từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo dự báo của ông Hải, vàng thế giới sẽ còn giảm khi chưa tiếp cận mức giảm 20% kể từ đỉnh $1700/oz hồi tháng 2 năm nay. Trừ đi 20%, mức đáy của vàng đợt này có thể là $1360/oz.
Giavang.net tổng hợp