37 C
Hanoi
27/04/2024
Image default
Kinh nghiệm Vàng

Chuyên gia: Bỏ độc quyền vàng miếng hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện tại

(GVNET) – Giá vàng SJC đang giảm mạnh và hiện đã mất hơn 2 triệu đồng kể từ mốc 82 triệu đồng/lượng đạt được trong phiên sáng qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng.

Cụ thể, tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái với các bộ, ngành, bàn giải pháp quản lý thị trường kim loại quý ngày 20/3, đại diện Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Theo NHNN, hiện nay không còn tình trạng bất ổn thị trường vàng như giai đoạn trước, tình trạng “vàng hóa” được hạn chế. Biến động của giá vàng ít tác động đến tỷ giá chính thức, thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô trong nước. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC so với các loại vàng miếng khác, vàng trang sức mỹ nghệ 99,99% và giá vàng quốc tế vẫn ở mức cao.

Vì vậy, NHNN đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Chuyên gia tài chính – TS Nguyễn Trí Hiếu

Đánh giá về đề xuất của NHNN về bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, chuyên gia tài chính – TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định đây là điều hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện tại.

Trên thực tế, đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC đã được nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị từ trước đó bởi việc SJC là thương hiệu vàng miếng duy nhất là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá vàng miếng “một mình một chợ” trong nhiều năm qua.

Nhiều người lo ngại nếu tiếp tục tình trạng độc quyền vàng miếng, khoảng cách giữa giá vàng SJC và vàng thế giới sẽ ngày càng chênh cao. Ngoài ra, nó cũng có thể khiến buôn lậu vàng gia tăng, ảnh hưởng đến tỷ giá và chính sách tiền tệ của NHNN.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc chậm trễ bỏ độc quyền sản xuất, nhập khẩu vàng đã xảy ra nhiều hệ lụy. Tiêu biểu như giá vàng trong nước neo cao khiến xảy ra buôn lậu vàng, ảnh hưởng tỷ giá, nguy cơ chảy máu ngoại tệ. Bất bình đẳng trong kinh doanh của các doanh nghiệp vàng, tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế.

“Trước sự quyết liệt của Thủ tướng, NHNN có đề xuất bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng. Nếu NHNN sớm bỏ độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng sẽ giảm bớt hệ lụy tiêu cực, có tác dụng tốt hơn cho thị trường vàng”, ông Long nói.

Cùng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường vàng cũng như lĩnh vực khác của nền kinh tế, nếu độc quyền, không cạnh tranh sẽ sinh ra “khuyết tật”. Theo đó, “khuyết tật” của thị trường vàng như chênh lệch giá mua vào – bán ra ở mức cao, chênh lệch với giá vàng thế giới.

Việc NHNN thay đổi tư duy, đề xuất bỏ độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng dù chậm nhưng còn hơn không. Chỉ có cạnh tranh mới giúp thị trường vàng năng động. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng “giám sát” lẫn nhau, góp phần lành mạnh hóa thị trường”, ông Doanh đề xuất.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng cần có thêm biện pháp dài hơi khác để thị trường vàng có thể phát triển ổn định. “Việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng chỉ là điều kiên cần. Song song với việc bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng thì NHNN cũng cần phải cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu để tăng cung, thu hẹp chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra”, ông nói.

Nếu cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất vàng miếng mà NHNN vẫn độc quyền nhập khẩu nguyên liệu thì van vẫn bị đóng và không đủ để kéo giá vàng trong nước về sát với giá thế giới, ông Hiếu nhận định.

Bên cạnh đó, NHNN cũng có thể xem xét thêm các giải pháp khác như lập sàn giao dịch vàng, từ đó người dân có thể mua bán tín chỉ vàng và hạn chế tích trữ vàng vật chất. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ có thể liên thông với giá vàng thế giới, chấm dứt tình trạng “một mình một chợ” như hiện nay.

Cập nhật lúc 14h30, ngày 22/3, giá vàng miếng SJC niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 77,80 – 79,80 triệu đồng/lượng, giảm 800.000 đồng/lượng giá mua và bán so với mở cửa cùng ngày. So với giá mở cửa hôm qua 21/3, SJC hiện đã giảm 2,2 triệu đồng mỗi lượng. Chênh lệch mua – bán vẫn duy trì ở ngưỡng 2 triệu đồng.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....