Giá dầu tăng cao và sự lặp lại của bong bóng dotcom có thể là những “thiên nga đen” cho một cuộc suy thoái kinh tế trong tương lai.
Thuật ngữ “thiên nga đen” được phổ biến bởi Nassim Nicholas Taleb, một giáo sư tài chính, nhà văn và cựu thương nhân Phố Wall. Thiên nga đen là một sự kiện vượt quá dự đoán bình thường, rất hiếm gặp, nhưng một khi đã xảy ra thì sẽ gây hậu quả thảm khốc. Điều quan trọng là phải lường trước một sự kiện thiên nga đen luôn luôn có thể xảy ra để có kế hoạch đối phó phù hợp.
Hãy cùng nhìn lại nguyên nhân chính của 4 các cuộc suy thoái kinh tế gần nhất.
Suy thoái kinh tế năm 1981 – 1982: Nguyên nhân bắt đầu từ cuộc cách mạng Iran khiến giá năng lượng đi lên kéo theo lạm phát gia tăng, đạt đỉnh 13,5% trong năm 1980. Cục Dự trữ Liên bang (FED) phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng một cách đáng lo ngại với từ mức 5,6% của tháng 5/1979 lên 7,5% một năm sau đó.
Bất chấp kinh tế bắt đầu hồi phục trong năm 1981, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao kỷ lục 7,5% và đạt mức lịch sử 10,8% trong năm 1982. Hậu quả của suy thoái lên ngành công nghiệp xe hơi, nhà đất, và sản xuất thép tồi tệ đến nỗi các ngành này liên tục sụt giảm trong 10 năm sau, cho tới tận khi cuộc khủng hoảng tiếp theo kết thúc.
Suy thoái kinh tế năm 1987 – 1990: Ngày thứ hai đen tối, tháng 9/1987, đà sụt giảm chưa từng có 22,6% trên chỉ số Dow Jones là phát súng báo hiệu thời kỳ suy thoái tồi tệ nước Mỹ. Chỉ trong ba năm, sự sụp đổ của thị trường tín dụng và cho vay đã đe dọa tiền tiết kiệm của hàng triệu người dân. Một loạt cường quốc chịu nhiều ảnh hưởng của Mỹ như Canada, Australia, Nhật hay Anh cũng bị cuốn theo vòng xoáy suy thoái.
Dù thị trường chứng khoán hồi phục khá nhanh nhưng thị trường bất động sản, lao động, giá năng lượng, cán cân thương mại và GDP của Mỹ và một số quốc gia khác vẫn đi xuống cho tới 2 năm sau khủng hoảng.
Suy thoái kinh tế năm 2001 – 2003: Cổ phiếu định giá quá cao là nguyên nhân châm ngòi bởi sự đổ vỡ của các công ty công nghệ – P/E thị trường lên mức đỉnh 27,7 vào tháng 6/1999, cuộc suy thoái kinh tế tại Mỹ trong 3 năm từ 2001 tới 2003 không chỉ ảnh hưởng lớn đến kinh tế Mỹ, mà còn tới nhiều quốc gia châu Âu.
Dự đoán trước diễn biến tại Mỹ, các nước châu Âu đã giới thiệu đồng tiền chung euro vào ngày 1/1/1999. Tuy nhiên, suy thoái vẫn khiến đồng euro giảm mạnh và cho đến tận năm 2001, đây vẫn là một đồng tiền yếu, và chỉ mạnh trở lại sau năm 2002.
Suy thoái kinh tế năm 2007 – 2009: Sự suy sụp nền kinh tế từ tháng 12/2007 đến tháng 6/2009 là một trong những chương tăm tối nhất trong lịch sử nền kinh tế Mỹ. GDP giảm xuống còn -5,1%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên đến 10%. Nguyên nhân lớn nhất vì khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn (Subprime mortgage crisis) đã đâm thủng bong bóng nhà đất ở Mỹ. Kết quả là ngành công nghiệp ô tô, cũng như một số tổ chức tài chính, như Lehman Brothers, AIG, Freddie Mac, Fannie Mae và Bear Stearns đều sụp đổ. Để giải quyết cuộc suy thoái 18 tháng, chính phủ đã đưa ra gói kích thích tài chính trị giá 787 tỷ USD và cứu trợ ngân hàng trị giá 700 tỷ USD.
Việc dự đoán, xác định các dấu hiệu của suy thoái kinh tế là rất khó và chỉ mang tính tham khảo. Tuy nhiên, các số liệu kinh tế với những dấu hiệu và chỉ báo ghi nhận đà tăng trưởng chậm và sự bất ổn từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cho thấy nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới. Các nhà phân tích đã đưa ra cảnh báo về những “thiên nga đen” có thể xảy ra nhằm lường trước hậu quả, tác động nghiêm trọng kéo theo sau:
Giá dầu: Mặc dù nền kinh tế hiện ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn tuy nhiên khi giá dầu tăng quá mức sẽ vẫn tác động mạnh đến nền kinh tế. Các bài học trong quá khứ gần đây đều cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ từ việc giá dầu tăng nhanh trong thời gian ngắn đều có thể gây nên suy thoái. So sánh tương quan mức tăng giá dầu và kinh tế suy thoái ở mức khá cao. Nếu tương quan này tiếp tục gợi ý nếu quan sát giá dầu trong thời gian tới tăng lên mức trên 100 usd/thùng có thể gây nên cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo. Đây cũng là lý do mặc dù mối quan hệ giữa Iran – Mỹ khá căng thẳng trong thời gian gần đây, nhưng Mỹ sẽ hành động kiềm chế (tránh leo thang sung đột quân sự) với Iran nhằm tránh những cú sốc về giá dầu.
Bong bóng dot com – lịch sử liệu có lặp lại: Xu hướng hiện nay, tiền của nhà đầu tư đổ dồn vào các ngành mới hướng tới việc thay đổi thói quen tiêu dùng bằng các sản phẩm và dịch vụ mang tính cách mạng. Điểm này dẫn đến các công ty trong lĩnh vực được định giá rất cao như: sản xuất xe ô tô điện – Tesla: vốn hóa tương đương hãng sản xuất xe ô tô FORD nhưng lợi nhuận âm, P/E Amazon: 77 lần, P/E Alibaba: 33 lần,… trong trường hợp việc thay đổi thói quen tiêu dùng thất bại thì các tập đoàn này rất dễ sụp đổ (tương tự như các công ty công nghệ trong cuộc suy thoái kinh tế năm 2001).
Theo Công ty chứng khoán VietinBank Securities.
Theo Trí thức trẻ