GVNET) – Tóm tắt
- Thị trường vàng miếng giữ ổn định, đứng ngoài biến động của vàng thế giới.
- Vàng nhẫn hạ độ cao sau dấu hiệu đi xuống của vàng thế giới, giao dịch lùi về dưới 77,5 triệu đồng.
- Giá vàng thế giới sau quy đổi neo gần 76 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng hơn 1 triệu đồng.
Nội dung
Tuần trước, sau đà tăng vượt 2410 USD của vàng thế giới, vàng miếng trong nước đã có động thái tăng mạnh giá mua vào tại một số doanh nghiệp, giá bán vẫn “đóng băng”. Sang đầu tuần mới, vàng thế giới trồi sụt trong biên độ hẹp – giao dịch vẫn luôn giữ trên 2400 USD, thị tường vàng miếng không có động thái mới và chuẩn bị kết phiên 15/7 với diễn biến đi ngang.
Cập nhật thời điểm 17h ngày 15/7, vàng miếng mua vào ổn định ở ngưỡng 74,98-75,88 triệu đồng/lượng, vàng miếng bán ra đồng loạt neo ở mức 76,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán duy trì khoảng 1,1-2 triệu đồng.
Tại thị trường vàng nhẫn, trong khi các đơn vị khác tương đối ổn định thì giá nhẫn của Doji lại biến động đáng kể. Trong phiên sáng, khi vàng thế giới neo quanh mốc 2410 USD, giá vàng nhẫn Doji đã tăng lên 77,6 triệu đồng/lượng. Sang phiên chiều nay, giá vàng thế giới có thời điểm giảm về sát mốc 2400 USD, vàng nhẫn cũng giảm về 77,4 triệu đồng/lượng. Đến hiện tại (17h) khi vàng thế giới hồi trở lại trên mốc 2410 USD, vàng nhẫn cũng nhích nhẹ lên 77,45 triệu đồng và cao hơn vàng miếng gần nửa triệu đồng.
Cập nhật giá mua – bán vàng miếng tại một số đơn vị thời điểm 17h:
- Nhẫn SJC 9999: 75,15 – 76,65 triệu đồng/lượng.
- Nhẫn BTMC: 75,68 – 76,98 triệu đồng/lượng.
- Nhẫn Doji: 76,20 – 77,45 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch ở ngưỡng 2.412 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.780 VND/USD) vàng thế giới hiện đứng tại 75,81 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn vàng miếng SJC 1,2 triệu đồng – tương đương với cuối tuần trước.
Ngoài rủi ro địa chính trị, giá vàng tuần này còn chịu sự chi phối của các số liệu kinh tế Mỹ và cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Trao đổi với trang tin tài chính Barron’s Daily, nhà quản lý quỹ Matt Smith của công ty đầu tư Ruffer ở Anh, dự báo giá vàng sẽ duy trì xu hướng tăng vì dù áp lực lạm phát có giảm, giá cả trong nền kinh tế vẫn còn cao do ảnh hưởng tích tụ của lạm phát cao trong mấy năm qua. “Lạm phát đang giảm nhưng không biến mất. Vàng sẽ phát huy vai trò kênh đầu tư chống lạm phát”, ông Smith nói. Ông cũng cho rằng việc Fed rốt cục sẽ phải giảm lãi suất sẽ tạo thêm động lực cho vàng.
Ngoài ra, giá vàng sẽ hưởng lợi từ xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã mua mạnh vàng trong mấy năm gần đây để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và giảm phụ thuộc vào đồng USD. Xu hướng này được dự báo sẽ duy trì.
“Các ngân hàng trung ương vẫn đang mua ròng vàng. Mỗi lần mua, mỗi ngân hàng trung ương đều mua hàng tấn”, chiến lược gia trưởng Everett Millman của công ty Gainesville Coins nhận định. Ông Millman cho rằng sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu giá vàng tăng lên mức 2.700 USD trước cuối năm nay, tức là tăng 12% so với mức hiện tại.
Bên cạnh nhu cầu của các ngân hàng trung ương, ông Millman đề cập đến vai trò “hầm trú ẩn” của vàng, trong bối cảnh thế giới năm nay diễn ra hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng, gồm bầu cử tổng thống Mỹ. Việc các chính trị gia không muốn cắt giảm thâm hụt ngân sách nhằm mục đích lấy lòng cử tri đang làm gia tăng mối lo ngại về khối nợ công khổng lồ của thế giới. Điều này làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng.
Một báo cáo kinh tế Mỹ được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm trong tuần này là thống kê doanh thu bán lẻ tháng 6 dự kiến công bố vào ngày thứ Ba. Tiếp đó, mối quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường vàng trong tuần sẽ dành cho cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày thứ Năm. Theo dự báo, ECB sẽ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này, nhưng điều khiến thị trường quan tâm nhiều hơn cả là liệu ECB có phát tín hiệu giảm thêm lãi suất vào tháng 9 sau đợt giảm đầu tiên vào tháng 6.
Giavang.net