26 C
Hanoi
08/05/2024
Image default
Tiêu điểm Tin mới nhất

Chiến sự Israel – Hamas: Thế giới kêu gọi ngừng bắn để cứu trợ nhân đạo

Gần một tháng sau khi cuộc chiến khai màn, Israel vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch quân sự trên bộ và trên không ở Gaza nhằm triệt tiêu lực lượng vũ trang Hamas. Hậu quả thảm khốc của chiến dịch quân sự đó đã thể hiện hằng ngày khiến thế giới bàng hoàng và liên tục kêu gọi ngừng bắn để công tác cứu trợ nhân đạo được thực hiện.

Bản chất chiến sự Hamas – Israel là gì?

Xung đột vũ trang hiện đại thường phải tuân thủ luật chiến tranh, còn được gọi là Luật Nhân đạo Quốc tế (IHL), gồm 4 Công ước Geneva năm 1949, 2 Nghị định thư bổ sung năm 1977, Công ước La Hay năm 1899 và 1907, cũng như một số công ước về vũ khí.

Những văn bản này giúp bảo vệ dân thường và người đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, thông qua việc đặt ra các biện pháp hạn chế và cấm đối với một số cách tiến hành chiến tranh.

Trả lời với phóng viên Dân trí, Giáo sư Robert Goldman, chuyên gia luật chiến tranh thuộc Trường Luật Washington thuộc Đại học Mỹ, cho biết dựa vào đặc điểm các bên tham chiến, luật quốc tế phân loại xung đột vũ trang thành 2 loại: Xung đột quốc tế (giữa 2 hoặc nhiều quốc gia) và xung đột phi quốc tế (giữa quốc gia với nhóm vũ trang phi nhà nước, hoặc giữa các nhóm vũ trang).

Xung đột quốc tế sẽ được điều chỉnh bởi toàn bộ văn bản của luật chiến tranh. Xung đột phi quốc tế sẽ chỉ được điều chỉnh bởi Điều khoản chung 3 của Công ước Geneva và nhiều tập quán pháp khác, theo ông Goldman.

“Trong trường hợp Hamas – Israel, Hamas không phải một quốc gia. Xung đột hiện tại không phải giữa Israel và Palestine – vốn do Nhà nước Palestine đại diện”, Giáo sư René Provost – chuyên gia luật quốc tế thuộc Đại học McGill tại Canada – nói với Dân trí. “Do đó, tôi thấy khá rõ đây là xung đột vũ trang phi quốc tế”.

Nếu là xung đột vũ trang phi quốc tế, chiến binh Hamas không có tư cách tù binh chiến tranh khi bị bắt sống và vì thế không được hưởng sự bảo vệ đi kèm, như được miễn truy cứu trách nhiệm cá nhân vì hành vi tham chiến hợp pháp. Họ có thể bị Israel truy tố chỉ vì hành vi cầm súng chiến đấu.

Dù là xung đột vũ trang phi quốc tế, cả Hamas và Israel vẫn phải tuân thủ các quy tắc cơ bản như chỉ tấn công mục tiêu quân sự và đáp trả tương xứng.

Ngày 2/11, lực lượng quốc phòng Israel (IDF) tuyên bố đã bao vây 3 mặt của thành phố Gaza và chuẩn bị tiến hành phá các đường hầm ngầm của Hamas.

Cơ quan y tế Gaza do Hamas điều hành đã công bố số liệu thương vong cập nhật, tuyên bố rằng kể từ khi Israel bắt đầu các cuộc tấn công trả đũa vào ngày 7/10, đã có hơn 9.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 3.760 trẻ em và hơn 20.000 người khác bị thương. Về phía Israel, con số là hơn 1.400 người chết. Những hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy nhiều khu vực ở Gaza nhà cửa đổ nát, bị san bằng. Chính quyền Israel tuyên bố mỗi ngày IDF bắn phá hơn 600 mục tiêu ở Gaza.

Những diễn biến khủng khiếp tại Dải Gaza khiến thế giới phẫn nộ, làn sóng ủng hộ người Palestine cũng như bài Do Thái tiếp tục dâng cao. Tại London, hãng tin Reuters cho biết cảnh sát Anh ước tính có từ 50.000 đến 70.000 người đã xuống đường biểu tình ủng hộ người Palestine, kêu gọi ngừng bắn. Một cuộc tuần hành tuần trước cũng đã chứng kiến 100.000 người xuống đường. Trong các video trực tuyến, người ta nghe thấy những người tuần hành chiếm trung tâm London và hô vang: “Chúng tôi muốn gì? Ngừng bắn. Khi nào chúng tôi muốn nó? Ngay bây giờ”. Một phụ nữ nói với Reuters: “Tôi muốn ngừng bắn. Tôi muốn hòa bình cho người dân Gaza. Trong vài ngày, vài tuần qua, tôi đã chứng kiến rất nhiều trẻ sơ sinh và trẻ em chết đi”.

Thông tin mới nhất cũng cho biết, đã có hơn 130 xe chở hàng cứu trợ nhân đạo vào Dải Gaza. Tuy nhiên, tình trạng nguy cấp của người Palestine ở Gaza vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Ngày 2/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết việc đưa viện trợ nhân đạo đến cho người dân Gaza là “gần như không thể”. WHO cho biết tổ chức này đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng người dân Gaza được tiếp cận với các dịch vụ nhân đạo và y tế.

Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho biết sự an toàn cơ bản của nhân viên tại Gaza không thể được đảm bảo vào lúc này.Ông Ryan nói thêm rằng cơ quan của Liên hợp quốc chưa bao giờ gặp khó khăn trong việc thiết lập các quy tắc tham gia cơ bản liên quan đến đảm bảo an toàn tối thiểu cho hoạt động nhân đạo như hiện nay. Việc đưa vật tư y tế đến nơi cần thiết “không được tạo điều kiện, không được hỗ trợ; trên thực tế, nếu có thì hoàn toàn ngược lại”, ông nói thêm. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tình hình thực tế ở Gaza là “không thể diễn tả được”. Ông nói thêm: “Chúng tôi không còn từ ngữ nào để mô tả nỗi kinh hoàng đang diễn ra ở Gaza”.

Một nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc đã kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, cảnh báo rằng “thời gian không còn nhiều” khi người dân Palestine ở đó nhận thấy mình có “nguy cơ nghiêm trọng bị diệt chủng”. Trong một tuyên bố, họ bày tỏ “sự thất vọng sâu sắc trước việc Israel từ chối dừng chiến dịch tàn phá” Dải Gaza và cho biết họ cảm thấy “nỗi kinh hoàng sâu sắc” về các cuộc không kích của Israel nhằm vào trại tị nạn Jabalia.

Trong khi đó, hôm 1/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã lên tiếng kêu gọi “tạm dừng” cuộc chiến Israel-Hamas và Ngoại trưởng Antony Blinken dự kiến sẽ trở lại khu vực vào ngày 3/11. Ông Biden đã bị áp lực kêu gọi ngừng bắn hoặc tạm dừng nhân đạo có ý nghĩa trong chiến dịch của Israel. Israel chưa phản hồi ngay lập tức với lời kêu gọi của ông Biden. Tuy nhiên, trước đó ông Netanyahu đã bác bỏ khả năng ngừng bắn.

Đệ nhất Bộ trưởng Scotland Humza Yousaf đã đăng trên mạng xã hội X rằng: “Chúng tôi đang chứng kiến một thảm họa nhân đạo ở Gaza” và cho biết Scotland “sẵn sàng” giúp điều trị cho thường dân bị thương từ Gaza. Ông nói: “Chúng tôi lên án vụ đánh bom gần đây vào trại tị nạn Jabalia và nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức để cho phép một lượng viện trợ đáng kể đi qua”. Cá nhân ông Yousaf có liên hệ với cuộc chiến Hamas-Israel qua việc ông có người thân bị mắc kẹt ở Dải Gaza. Hôm 22/10, ông Yousaf đã bày tỏ sự nhẹ nhõm sau khi phát hiện ra bố mẹ vợ mình, những người đã đến Gaza từ Scotland để thăm người thân, vẫn còn sống, sau khi ông không nhận được tin tức gì từ họ trong thời gian Israel áp đặt lệnh cấm liên lạc đối với Gaza.

Ngày 2/11, ông Yousaf đã đăng một đoạn clip nói rằng “người dân Palestine ở Gaza là một dân tộc rất đáng tự hào. Đáng lẽ họ không phải rời bỏ đất đai của mình nhưng nhiều người đã buộc phải rời đi… và nhiều người đang bị thương đang điều trị trong bệnh viện”. Tình hình rất nguy cấp vì các bệnh viện đang cạn kiệt nhiên liệu và vật tư y tế. Sau đó, ông nói rằng Scotland đã chuẩn bị sẵn sàng, nếu có thể, để đưa những người như vậy đến điều trị. Ông nói: “Không có yêu cầu nào về việc Vương quốc Anh tiếp nhận các chuyến sơ tán y tế khỏi Gaza, nhưng chúng tôi hy vọng rằng nếu điều đó xảy ra thì Vương quốc Anh, và thực sự là Scotland, sẽ sẵn sàng đóng vai trò của mình”.

Trong khi đó, câu chuyện giải thoát con tin vẫn đang “giằng co”, mặc dù có sự nỗ lực của các quốc gia trung gian và thiện chí từ phía Hamas. Hôm 30/10, một con tin người Israel là binh nhất Ori Megidish đã được thả ngay trong chiến dịch trên bộ của IDF. Trước đó, đã có 4 con tin được thả. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Qatar hôm 28/10 cho biết cuộc tấn công của Israel ở Gaza đã làm phức tạp đáng kể những nỗ lực của Doha nhằm đảm bảo việc thả các con tin Israel bị Hamas bắt ở Gaza.

Tổng hợp

Đang tải....