24.6 C
Hanoi
20/01/2025
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Kinh tế Việt Nam Tin mới nhất

CEO HSBC Việt Nam: GDP năm nay có thể tăng 5,5%

Ông Tim Evans cho rằng khi mở lại nền kinh tế cùng tiêm vaccine hiệu quả, chuỗi cung ứng đứt gãy sẽ được giải quyết, đơn hàng lại đổ về và FDI cũng phục hồi.

Bình luận về việc các nhà chức trách đã bắt đầu thảo luận về việc từng bước mở lại nền kinh tế, có thể là từ tháng 10, ông Tim Evans thừa nhận “không kỳ vọng vào khả năng chúng ta có thể trở lại bối cảnh hoàn toàn bình thường trong tương lai gần”.

Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả triển khai tiêm vaccine cho người dân kết hợp mở cửa lại nền kinh tế đúng thời điểm hay không. Với đánh giá đó, ông Tim Evans đưa ra hai viễn cảnh với GDP Việt Nam năm 2021.

Viễn cảnh 1, tăng trưởng GDP nằm trong ngưỡng 5-5,5%, phụ thuộc vào tiến độ và mức hiệu quả của chương trình tiêm vaccine, việc mở cửa lại nền kinh tế cùng với khả năng phục hồi và khởi động lại các thị trường xuất khẩu lớn trong bối cảnh nhiều thách thức do biến chủng Delta.

“Tại nhiều thị trường khác, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa và chúng tôi kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam”, ông nói.

Ông Tim Evans nhận định, hoạt động tiêu dùng sẽ khôi phục rất mạnh mẽ ngay khi đợt bùng dịch này dần lắng xuống. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã gia tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ 10-12% lên 14-15% trong năm nay. Ông hy vọng hạn mức có thể được xem xét nới rộng thêm nhằm tạo khả năng hỗ trợ cho khối doanh nghiệp.

Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các khó khăn của chuỗi cung ứng cũng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng sẽ lại đổ về và FDI cũng phục hồi. Bất chấp tình cảnh hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19.

Ngày càng nhiều nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại trong khu vực sau khi triển khai tiêm vaccine trên diện rộng, cùng với nhu cầu hiện tại của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, sẽ mang lại tác động tích cực lên xuất khẩu hàng công nghệ, máy móc, da giày, dệt may, nội thất, thực phẩm và nông sản. Đại dịch cũng đã góp phần thúc đẩy các xu hướng tự động hóa và số hóa. Vì vậy, Việt Nam sẽ hưởng lợi trong vai trò nhà sản xuất hàng công nghệ lớn của thế giới.

Nhìn chung, theo người đứng đầu HSBC Việt Nam, các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh và Việt Nam đã tự tạo cho mình một vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong những năm gần đây. Với lượng dự trữ ngoại hối tăng cao, cộng thêm tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, dòng vốn FDI tiếp tục tăng mạnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, Việt Nam có tâm thế hoàn toàn sẵn sàng đón nhận tương lai.

Viễn cảnh 2, kém tươi sáng hơn khi GDP sẽ có khả năng tăng trưởng ở mức 3,5-4%. Nếu chương trình tiêm vaccine triển khai không đủ nhanh trong khi giãn cách còn kéo dài, nền kinh tế sẽ chịu thêm nhiều tác động nặng nề và thêm áp lực lên chuỗi cung ứng.

Người đứng đầu HSBC Việt Nam khẳng định, dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa lại một cách thận trọng, bài bản theo lộ trình.

Trước đó, khối nghiên cứu toàn cầu của HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam xuống 5,1%, phản ánh tác động nặng nề của đợt bùng dịch thứ tư. Với năm 2022, họ lạc quan hơn với dự báo 6,8%.

Tổng hợp

Đang tải....