25 C
Hanoi
04/05/2024
Image default
Mục khác Tin mới nhất

Cảnh báo về sự “biến mất” của Nhật Bản

Trả lời Bloomberg, cố vấn của Thủ tướng Kishida Fumio, bà Masako Mori, cảnh báo rằng, Nhật Bản sẽ có thể bị “biến mất” nếu nước này không có biện pháp khắc phục tỷ lệ sinh giảm mạnh trong những năm qua.

“Nếu chúng ta cứ tiếp tục như thế này, đất nước sẽ biến mất. Chính những người phải sống trong quá trình biến mất đó sẽ phải đối mặt với tác hại to lớn”, Bloomberg dẫn phát biểu của bà Masako Mori trong một cuộc phỏng vấn.

Phát biểu của bà được đưa ra sau khi Nhật Bản vào ngày 28/2 công bố số lượng trẻ sơ sinh của nước này vào năm ngoái đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Nhật Bản công bố rằng số trẻ em sinh ra trong năm 2022 giảm xuống mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, số người qua đời ở Nhật Bản năm ngoái nhiều gấp đôi số trẻ em được sinh ra, với 1,58 triệu ca tử vong và 800.000 ca sinh.

Dân số nước này đã giảm xuống còn 124,6 triệu người, từ mức cao nhất là 128 triệu người vào năm 2008 và tốc độ giảm đang gia tăng. Trong khi đó, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đang tăng lên hơn 29% vào năm 2022.

Bà Masako Mori hiện là một nhà lập pháp và cố vấn của thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg.

Bà Mori nhận định: “Dân số đang không giảm dần mà đang đi thẳng xuống. Điều này có nghĩa là những trẻ em sinh ra trong giai đoạn này có thể đối mặt với nhiều thách thức trong xã hội”.

“Nếu không làm gì, hệ thống an sinh xã hội sẽ sụp đổ, sức mạnh kinh tế và công nghiệp sẽ suy giảm và sẽ không có đủ tân binh cho Lực lượng Phòng vệ để bảo vệ đất nước”, bà nói thêm.

Tuy nhiên, bà cũng giải thích rằng việc đảo ngược đà giảm dân số hiện nay sẽ rất khó khăn do số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm. Điều này đòi hỏi chính phủ cần phải làm mọi cách để làm chậm đà lao dốc và giúp giảm thiểu thiệt hại.

Trong bài phát biểu về chính sách hồi tháng 1, Thủ tướng Kishida cho biết tỷ lệ sinh thấp và dân số già của Nhật Bản gây ra rủi ro cấp bách cho xã hội. Theo ông, “tập trung vào chính sách liên quan trẻ em và nuôi dạy trẻ là vấn đề không thể chờ đợi, không thể trì hoãn”.

Mặc dù chưa công bố nội dung gói chi tiêu mới, nhưng ông Kishida cho biết nó sẽ có điểm khác biệt so với các chính sách trước đây. Cho đến nay, ông đã đề cập đến việc tăng tiền trợ cấp cho trẻ em, cải thiện việc cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em và thay đổi phong cách việc làm.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc đổ tiền vào các gia đình có con là không đủ để giải quyết vấn đề. Một báo cáo từ hội đồng chính phủ về bình đẳng giới cho biết cần có những thay đổi toàn diện, bao gồm giảm gánh nặng nuôi con cho phụ nữ và giúp họ dễ dàng trở lại làm việc hơn sau khi sinh.

Liên quan đến vấn đề này, bà Mori cho rằng “chính sách trao quyền cho phụ nữ và tỷ lệ sinh là như nhau”. “Nếu các vị giải quyết những vấn đề này một cách riêng biệt, điều đó sẽ không hiệu quả”, bà nói.

Các quốc gia láng giềng Nhật Bản cũng đang đối mặt vấn đề tương tự. Dân số Trung Quốc năm 2022 lần đầu tiên suy giảm trong 6 thập kỷ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chững lại đáng kể. Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc năm 2022 cũng giảm còn 0,78 trẻ em trên mỗi phụ nữ, mức thấp nhất trong nhiều năm.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....