Đường cong lãi suất đảo ngược, lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống… là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái.
Tổng thống Trump – ngòi nổ suy thoái?
Theo báo cáo mới được công bố của Morgan Stanley, nước Mỹ đã bước vào chu kỳ suy thoái mới, song đâu là ngòi nổ của cuộc khủng hoảng tiếp theo vẫn là ẩn số. Trong bối cảnh này, theo giới chuyên gia, yếu tố đáng ngại nhất chính là các hành động khó đoán định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với thị trường tiền tệ và thương mại. Ðiều này không chỉ khiến kinh tế toàn cầu biến động, mà còn gây nguy hiểm đối với chính nền kinh tế Mỹ.
Bằng việc vũ khí hoá cả thương mại và tiền tệ, ông Trump đang đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi sâu vào tình trạng bất ổn. Với việc thiết lập các hàng rào thuế quan và lệnh cấm vận, cũng như ngăn cản các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với các doanh nghiệp nước ngoài, mọi động thái của ông Trump khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn.
Triển vọng hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng không lấy làm sáng sủa khi doanh nghiệp ở thế bị động, không thể xác định đâu là đối tượng nên đầu tư, hay có nên mở rộng hoạt động trong bối cảnh hiện nay. Ðiều này không chỉ tác động tới doanh nghiệp Mỹ, mà với các doanh nghiệp trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tạo tình trạng nguy hiểm với kinh tế thế giới khi hoạt động đầu tư bị đóng băng, mọi kế hoạch tương lai bị gác lại. Rất nhiều doanh nghiệp Mỹ tỏ ra lo ngại về hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, vốn đang đóng góp gần 300 tỷ USD doanh thu mỗi năm.
Tổng thống Trump cũng “vũ khí hoá” đồng đô-la Mỹ, chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ đặt thêm nhiều quốc gia vào danh sách nghi ngờ “thao túng tiền tệ” như một lời đe doạ sẽ thiết lập thêm các lệnh trừng phạt trong tương lai. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc bị “gắn nhãn” thao túng tiền tệ khi để nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất 10 năm qua, nhưng trong danh sách này còn nhiều quốc gia thân cận với Mỹ ở cả châu Á và châu Âu.
Trong khi đó, tại thị trường nội địa, Tổng thống Trump liên tục tạo áp lực với mục tiêu buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khiến USD yếu hơn nhằm hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hoá Mỹ. Tất cả những hành động khó lường này khiến thị trường tiền tệ toàn cầu trở nên bất ổn, tạo áp lực lên tăng trưởng kinh tế thế giới, theo nghiên cứu của nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath, thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Khủng hoảng sẽ đến trong 12-18 tháng tới?
Trong môi trường nhiều bất ổn, động lực tăng trưởng kinh tế trở nên chậm chạp hơn tại mọi nền kinh tế, bao gồm cả nước Mỹ. Ðiều này khiến sức chịu đựng trước các cú sốc của nền kinh tế trở nên yếu hơn so với cách đây vài năm. Tăng trưởng thương mại toàn cầu đang tiến dần tới mức 0 trong năm nay. Nếu giai đoạn 2017-2018, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại do nhu cầu tại thị trường Trung Quốc và khu vực châu Âu yếu hơn, thì năm 2019, nguyên nhân xuất phát từ nước Mỹ.
Các dấu hiệu kinh tế Mỹ bước vào suy thoái ngày càng rõ nét hơn. Gần đây, đường cong lợi suất đã đảo ngược, báo hiệu nhà đầu tư có cái nhìn tiêu cực với triển vọng của nền kinh tế. Ðây là một chỉ báo thường gặp trước khi kinh tế Mỹ bước vào suy thoái.
Một dấu hiệu đáng chú ý khác là lợi nhuận của các doanh nghiệp đi xuống. Theo nghiên cứu của CLSA, lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ xuống dốc là dấu hiệu gắn bó mật thiết với suy giảm kinh tế và trên thực tế đã giảm liên tiếp 2 quý trong năm nay.
Theo số liệu của Blooomberg, các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 báo lợi nhuận giảm khoảng 0,3% trong quý I/2019, tiếp tục chứng kiến lợi nhuận giảm khoảng 2,8% trong quý II/2019. Tình trạng đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thê thảm hơn. Các nhà phân tích kinh tế chỉ ra rằng, nếu lợi nhuận của các doanh nghiệp bắt đầu đi xuống, khủng hoảng kinh tế Mỹ sẽ tới trong khoảng thời gian 12-18 tháng sau đó.
Một cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2020 rõ ràng không phải điều tốt cho kế hoạch tái cử của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, với những hành động hiện tại của ông Trump, bánh xe kinh tế Mỹ đã bắt đầu bước vào chu kỳ suy thoái.
Theo TNCK