Trước sự bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 21/4 đã ủng hộ áp đảo dự luật đối phó Bắc Kinh về nhân quyền và cạnh tranh kinh tế cùng nhiều lĩnh vực khác.
Theo Nikkei, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã thông qua “Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021” với tỷ lệ áp đảo 21-1. Dự luật này hiện đang được đưa ra để bỏ phiếu trước toàn thể Thượng viện Mỹ.
Dự luật dài 280 trang đề cập các nỗ lực tăng cường tài trợ phát triển quốc tế và hợp tác với các nước đồng minh cũng như các tổ chức quốc tế. Dự luật cũng thúc đẩy các giá trị về quyền con người, áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc trong một số vấn đề.
Dự luật cũng muốn biến Trung Quốc trở thành ưu tiên của toàn chính phủ ở một mức độ chưa từng thấy trước đây, thông qua việc khuyến nghị mọi bộ và cơ quan liên bang chỉ định một quan chức cấp cao từ cấp thứ trưởng trở lên, nhằm điều phối các chính sách xung quanh cuộc cạnh tranh chiến lược của Washington – Bắc Kinh.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói đây là đạo luật đầu tiên trong chuỗi các đạo luật để Mỹ đối phó với thách thức Trung Quốc “trên mọi khía cạnh quyền lực, chính trị, ngoại giao, kinh tế, đổi mới, quân sự và thậm chí là văn hóa”.
Ông và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch, thành viên lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Ủy ban đã chắp bút phần nội dung biện pháp của “Đạo luật Cạnh tranh chiến lược”. Ông Risch gọi đó là “sự đồng thuận thực sự của lưỡng đảng”.
Hạ nghị sĩ Ro Khanna, trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider, nói rằng sự tác hợp rộng rãi của các thành viên lưỡng đảng phản ánh sự ủng hộ sâu sắc đối với biện pháp này. Ông tin rằng, các nhà lập pháp Mỹ đã “đánh trúng điểm mấu chốt” trong việc đối phó với các ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, một lĩnh vực hiếm hoi đạt được sự đồng thuận của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ.
“Tôi cho rằng, đó là một bước tiến lớn theo hướng cải thiện khả năng cạnh tranh, cải thiện khả năng tạo công ăn việc làm và cải thiện sự hỗ trợ của chúng ta đối với các ngành công nghiệp trọng điểm”, ông Ro Khanna cho biết.
Dù hoan nghênh dự luật nhưng Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitt Romney không tin luật này sẽ thay đổi chiến lược của Trung Quốc hướng tới bá quyền toàn cầu.
“Chúng ta còn nhiều việc phải làm đối với một chiến lược toàn diện, hiệu quả để thay đổi đường lối của Trung Quốc và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới trong tương lai dài”, ông nói hôm 21/4.
Còn ông Eric Sayers, nhà nghiên cứu chính sách công nghệ và chiến lược quốc phòng Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, gọi các đạo luật này là một phần quan trọng trong nỗ lực giải quyết những thách thức do Trung Quốc đặt ra.
Nhà Trắng cũng đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ dự luật này, dù vẫn báo hiệu rằng Chính phủ Mỹ có thể thay đổi một vài điểm trong nó. “Chúng tôi mong muốn được làm việc với Quốc hội trong việc xây dựng dự luật, nhằm đổi mới vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ về khoa học – công nghệ, và đảm bảo rằng chúng ta sẽ phát triển và sản xuất các công nghệ của tương lai”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong một tuyên bố.
Theo Business Insider, sự đi lên của nền kinh tế Trung Quốc đã thôi thúc các nhà lập pháp lưỡng đảng kêu gọi Chính phủ Mỹ đầu tư nhiều tiền hơn vào các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trong những năm gần đây, cùng với việc giảm bớt sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc giữa dịch Covid-19.
Tổng hợp