32 C
Hanoi
20/04/2024
Image default
Tiền ảo Tin mới nhất

‘Bốc hơi’ 1.400 tỷ USD – thị trường tiền điện tử vừa trải qua một năm ‘thảm hại’

Thị trường tiền điện tử toàn cầu đã chứng kiến một năm đầy biến động khi giảm 1.400 tỷ USD trong năm 2022 trong bối cảnh lãi suất tăng, khẩu vị rủi ro (risk appetite) biến mất và sự sụp đổ hàng loạt của các công ty tiền số như FTX.

Mặc dù từ khi ra đời tới nay, tiền kỹ thuật số (tiền điện tử) đã có bước phát triển nhanh chưa từng có, thậm chí những cú bùng nổ trên quy mô toàn cầu đã khiến không ít người trở thành tỷ phú.

Tuy nhiên, ngay khi nó dường như đang ở đỉnh cao, và nhiều quốc gia bắt đầu để mắt tới, cũng như tìm cách quản lý thị trường đầy tiềm năng này, thì những kẽ hở bắt đầu lộ diện.

Bitcoin là loại tiền điện tử được cho là lớn nhất thế giới, cũng đã trải qua năm 2022 đầy sóng gió khi mất đến 60% giá trị.

Biến động giá Bitcoin trong năm 2022. Nguồn: Tradingview

Theo số liệu của công ty quản lý tài sản kỹ thuật số CoinShares, các nguồn đầu tư ròng vào tiền kỹ thuật số trong năm 2022 giảm sâu còn đạt 498 triệu USD so với mức 9,1 tỷ USD trong năm ngoái.

Tháng 11/2021, giá trị đồng Bitcoin đạt mức cao kỷ lục 69.000 USD/Bitcoin và thị trường tiền số khi đó cũng chạm mốc 3.000 tỷ USD nhờ các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ của các quốc gia trên thế giới nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế do các hạn chế vì dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, khi các nước mở cửa trở lại, lạm phát gia tăng buộc các ngân hàng trung ương phải triển khai các biện pháp thắt chặt lãi suất và khiến các nhà đầu tư từ bỏ các loại tài sản rủi ro cao hơn như cổ phiếu công nghệ và tiền điện tử.

Giá trị đồng Bitcoin, loại tiền điện tử từ lâu được coi là tài sản có giá trị lưu trữ trong thời kỳ lạm phát vì nguồn cung hạn chế đã giảm hơn 30% giá trị vào tháng 1/2022 trong bối cảnh các nhà đầu tư chuyển sự chú ý vào các tài sản an toàn đã được chứng minh trước đó như đồng USD.

Khi các nhà đầu tư quay lưng với tiền kỹ thuật số, các công ty tiền số lớn đã gặp khó khăn, trước tiên là sự sụp đổ của đồng tiền kỹ thuật số TerraUSD và đồng Luna.

Các loại tiền số đã giảm giá mạnh vào tháng 5/2022 khiến các nhà đầu tư trên toàn cầu thua lỗ khoảng 42 tỷ USD.

Tới tháng 6, nền tảng vay và cho vay tiền điện tử lớn nhất thế giới Celsius (Mỹ) đã đóng băng tài sản của khách hàng và báo lỗ 1,2 tỷ USD khi tuyên bố phá sản.

Quỹ đầu tư tiền điện tử Three Arrows Capital có trụ sở tại Singapore cũng chung số phận trong cùng tháng. Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác đồng loạt lao dốc theo khi giảm hơn 50% giá trị chỉ trong vòng 49 ngày kể từ cuối tháng 5.

Đáng nói, trong tháng 6, có thời điểm chỉ trong vòng 1 ngày, giá trị đồng Bitcoin đã giảm khoảng 15% và trở thành ngày tồi tệ nhất đối với đồng tiền điện tử này kể từ tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 làm chao đảo các thị trường tài chính.

Tiếp sau đó, cú sốc được cho là mạnh nhất trên thị trường tiền số trong năm nay là sự sụp đổ của FTX, một trong những sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, vào tháng 11 vừa qua. Theo đó, giá trị đồng Bitcoin đã giảm khoảng 25% chỉ trong vòng chưa đầy 4 ngày. Hiện Bitcoin có giá khoảng 16.000 USD/Bitcoin. Nhìn chung, năm 2022 gần như là năm “thảm họa” của thị trường tiền số.

Tuy nhiên, vẫn có điểm sáng trên thị trường tiền điện tử năm nay là nền tảng chuỗi khối (blockchain) Ethereum đã được nâng cấp, theo đó giảm mạnh năng lượng tiêu thụ, ít hơn 99,95% so với phiên bản trước đây. Theo hãng nghiên cứu Digiconomist, trước khi phần mềm trên được nâng cấp, một giao dịch trên Ethereum tiêu thụ lượng điện bằng mức tiêu thụ điện trung bình của một hộ gia đình Mỹ trong một tuần.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....