29 C
Hanoi
19/04/2024
Image default
Hàng hoá Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Bộ trưởng tài chính Mỹ kêu gọi áp trần giá dầu Nga để ‘ghìm cương’ lạm phát

Ngày 14/7, phát biểu trước khi khai mạc cuộc họp của khối G20 tại Bali (Indonesia), Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo rằng lạm phát đang “cao một cách không chấp nhận được” và hạ nhiệt giá cả là “ưu tiên hàng đầu” của Washington.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 của Mỹ đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng cao nhất trong vòng 40 năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho biết, cần phải nỗ lực để kiềm chế hai tác động kinh tế chủ chốt từ cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine bao gồm giá nhiên liệu cao và tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng đang càn quét nước Mỹ và trên toàn cầu.

“Chúng tôi đang chứng kiến ​​những tác động tiêu cực lan tỏa từ xung đột Nga – Ukraine ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt đối với giá năng lượng cao hơn và tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng”, bà Yellen cho biết.

Bà cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại với các quốc gia khác để xem “chúng ta có thể làm gì cùng nhau để giúp những người khác trên thế giới bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraine”. Điều đó bao gồm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, thiết kế và thực hiện mức trần giá dầu của Nga.

“Áp đặt mức trần giá dầu của Nga là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất của chúng tôi để giải quyết nỗi đau mà người Mỹ và các gia đình trên toàn thế giới đang cảm thấy ở các cửa hàng bơm xăng và cửa hàng tạp hóa ngay bây giờ”, bà Yellen cho biết.

Giá dầu thế giới đã tăng mạnh giữa bối cảnh Washington cấm dầu của Nga và các nước châu Âu tìm cách cắt giảm sử dụng dầu của quốc gia này.

Hồi tháng 3 vừa qua, giá dầu thô đã tăng trên 120 USD/thùng sau khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu. Các nhà kinh tế cảnh báo các lệnh cấm tiếp theo có thể đẩy giá lên tới 175 USD/thùng.

Theo nguồn đưa tin, cơ chế giới hạn giá sẽ bao gồm việc Hoa Kỳ và các quốc gia khác hình thành một tổ chức chung để mua dầu của Nga với giá đủ thấp để Nga có lợi nhuận và chấp nhận tiếp tục cung ứng dầu, nhưng không giúp Nga có tiền để tài trợ cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Bà Yellen cho biết, bà kỳ vọng mức trần giá sẽ hấp dẫn đối với nhiều công ty nhập khẩu dầu của Nga vì nó sẽ giảm thiểu chi phí nhập khẩu cao do các lệnh cấm tài chính và bảo hiểm đối với việc giao dầu của Nga.

Hiện tại, phía Nga vẫn im lặng trước đề xuất này, trong khi các quốc gia khác như Ấn Độ không cân nhắc.

Hôm 14/7, Trung Quốc cảnh báo áp mức giá trần cho dầu của Nga có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng Ukraine.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố phương án trên sẽ rất phức tạp, đồng thời kêu gọi các nước thay vào đó theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến tranh.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....