Hơn 12 tổ chức tài chính của Trung Quốc đã cho công ty Wuhan Kingold Jewelry vay 20 tỉ nhân dân tệ (2,8 tỉ USD) trong 5 năm qua với tài sản đảm bảo là vàng nguyên chất. Các khoản vay này được mua bảo hiểm nhằm phòng ngừa tổn thất. Vấn đề nảy sinh khi số vàng thế chấp bị phát hiện là vàng giả.
Kingold là công ty chế biến vàng tư nhân lớn nhất ở tỉnh Hồ Bắc, được niêm yết trên sàn Nasdaq. Kingold được dẫn dắt bởi ông Jia Zhihong, một cựu quân nhân có thế lực, người đồng thời là Chủ tịch và cổ đông nắm quyền kiểm soát công ty. Mọi chuyện đều tỏ ra khá yên ổn.
Nhưng rồi rắc rối xảy ra khi ít nhất một phần trong số 83 tấn vàng thỏi được sử dụng làm tài sản đảm bảo của Kingold được phát hiện là đồng mạ vàng. Các tổ chức tài chính đã cho Kingold vay đang đối mặt với nguy cơ bị lỗ nặng, do tổng các khoản vay Kingold chưa trả lên đến 16 tỉ nhân dân tệ (2,2 tỉ USD).
Các khoản vay của Kingold được đảm bảo bằng hợp đồng bảo hiểm phát hành bởi công ty nhà nước PICC Property and Casualty Co (PICC P&C) và một vài hãng bảo hiểm nhỏ hơn.
Số vàng giả được đưa ra ánh sáng vào tháng 2/2020 khi công ty ủy thác Dongguan thanh lí tài sản thế chấp của Kingold. Cuối năm 2019, Kingold không trả được nợ cho các nhà đầu tư trong một số sản phẩm ủy thác. Dongguan cho biết họ phát hiện các thỏi vàng lấp lánh thực chất là hợp kim đồng mạ vàng.
Thông tin trên buộc các chủ nợ của Kingold phải hành động ngay lập tức. China Minsheng Trust, một trong những chủ nợ lớn nhất của Kingold, xin tòa án cho phép kiểm tra tài sản đảm bảo trước khi khoản nợ của Kingold đáo hạn. Kết quả phân tích ngày 22/5 chỉ ra các thỏi vàng niêm phong trong kho của Minsheng Trust cũng là hợp kim đồng.
Các nhà chức trách Trung Quốc đang điều tra vụ việc này. Chủ tịch Jia của Kingold khẳng định số vàng công ty thế chấp không có vấn đề gì.
Sau khi có được kết quả kiểm tra, giám đốc của Minsheng Trust cho biết công ty đã hỏi ông Jia rằng có phải Kingold đã làm giả các thỏi vàng không. Vị giám đốc nói: “Ông ta thẳng thừng phủ nhận và nói nguyên nhân là một số thỏi vàng Kingold mua trong quá khứ có độ tinh khiết thấp”.
Nikkei Asian Review dẫn lời ông Jia trả lời phỏng vấn với tờ Caixin hồi đầu tháng 6: “Sao số vàng này có thể là giả nếu các công ty bảo hiểm chấp nhận chúng?” nhưng từ chối bình luận thêm.
Đầu tháng 6, ba chủ nợ của Kingold là Minsheng Trust, Dongguan Trust và Chang’An Trust đã khởi kiện Kingold và yêu cầu PICC P&C bảo hiểm cho các khoản lỗ của họ. PICC P&C từ chối yêu cầu bình luận của tờ Caixin về vấn đề này nhưng cho biết vụ việc đang trong quá trình xét xử.
Tờ Caixin cho biết chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã thành lập một đội đặc nhiệm để giám sát vấn đề này và Bộ Công an Trung Cuộc cũng đã mở cuộc điều tra. Sàn giao dịch vàng Thượng Hải tước tư cách thành viên của Kingold vào ngày 24/6.
Chớ thấy sáng mà ngỡ là vàng
Ngoài Dongguan Trust và Minsheng Trust, hai chủ nợ khác của Kingold cũng phát hiện số vàng đảm bảo của Kingold là giả.
Nếu là thật, 83 tấn vàng nguyên chất đảm bảo cho các khoản nợ của Kingold tương đương với 22% sản lượng vàng hàng năm của Trung Quốc và 4,2% lượng vàng dự trữ của nước này trong năm 2019.
Tiền thân của Kingold là một nhà máy vàng liên kết với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Theo trang web của Kingold, công ty này là một trong những nhà sản xuất trang sức vàng lớn nhất Trung Quốc.
Cổ phiếu Kingold hiện được giao dịch trên sàn Nasdaq với mức giá 1 USD/cp. Vốn hóa hiện tại của Kingold là 12 triệu USD, giảm 70% so với cùng kì năm ngoái. Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Kingold là 3,3 tỉ USD và nợ phải trả là 2,4 tỉ USD.
Hiện vẫn chưa rõ liệu số vàng đảm bảo ngay từ đầu đã là giả hay bị đánh tráo. Nguồn tin từ Minsheng Trust và Dongguan Trust xác nhận tài sản thế chấp của Kingold đã được kiểm tra bởi bên thứ ba và được giám sát chặt chẽ bởi đại diện của Kingold, chủ nợ và công ty bảo hiểm trong quá trình vận chuyển.
Một nguồn tin của Minsheng Trust thừa nhận: “Tôi vẫn không hiểu mọi chuyện bắt đầu sai từ đâu”. Hồ sơ ngân hàng cho thấy kho cất giữ vàng thế chấp của Kingold chưa bao giờ được mở.
Lỗi tại ai?
Sự tham gia của các công ty bảo hiểm đóng vai trò chủ chốt trong quyết định cho Kingold vay của các tổ chức tài chính. Hợp đồng bảo hiểm từ các công ty nhà nước hàng đầu như PICC P&C là yếu tố lớn giúp giảm thiểu lo ngại rủi ro của những người cho vay.
“Nếu không có hợp đồng bảo hiểm từ PICC P&C, chúng tôi đã không cho Kingold vay vì tài sản đảm bảo chỉ có thể được kiểm tra với các mẫu ngẫu nhiên”, một nguồn tin cho biết.
PICC P&C phải đối mặt với nhiều vụ kiện yêu cầu trả bồi thường từ các chủ nợ của Kingold. Nhưng một phát ngôn viên của PICC P&C cho biết các hợp đồng này chỉ bảo hiểm các tổn thất tới tài sản bảo hiểm do tai nạn, thảm họa, cướp và trộm cắp.
Luật sư Wang Guangming tại Văn phòng Luật Dacheng cho biết vấn đề quan trọng nhất là điều gì đã xảy ra với số vàng thế chấp và bên nào biết chúng là đồ giả. Nếu Kingold làm giả các thỏi vàng mà công ty bảo hiểm và chủ nợ đều không biết, công ty bảo hiểm nên bồi thường cho chủ nợ và khởi kiện Kingold về tội lừa đảo.
Công ty bảo hiểm cũng phải bồi thường trong trường hợp họ biết về trò lừa đảo của Kingold nhưng chủ nợ thì không.
Nếu cả Kingold và các chủ nợ đều biết rằng số vàng đảm bảo là giả, công ty bảo hiểm có thể hủy hợp đồng và kiện các bên vì tội lừa đảo. Nhưng nếu cả Kingold, chủ nợ và công ty bảo hiểm đều có liên quan tới trò bịp, mọi hợp đồng đều không có hiệu lực và mỗi bên phải tự chịu trách nhiệm pháp lí của mình, ông Wang cho biết.
Một quan chức quản lí cho biết các vụ điều tra gian lận liên quan tới tài sản đảm bảo là vàng giả thường phát hiện ra sự thông đồng giữa người vay và các tổ chức tài chính.
Theo Kinh tế và tiêu dùng