Báo cáo của Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho hay kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2019 đối mặt với rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế trên diện rộng. Xu hướng thắt chặt tài chính không còn hiện hữu trong quý II.
Suy giảm kinh tế có thể chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn, các nền kinh tế chủ chốt tăng trưởng chậm lại và gia tăng bất định trên thị trường tài chính quốc tế.
Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng khá, dù bất định chưa giảm. Tăng trưởng GDP quý I (hiệu chỉnh lần 2) đạt 3,1%. Rủi ro suy thoái từ nửa cuối năm 2019 được đề cập nhiều hơn trong bối cảnh Mỹ có không ít động thái gia tăng căng thẳng thương mại với các đối tác.
Kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng hợp lý và duy trì được động lực phát triển, tuy nhiên, rủi ro suy giảm là không nhỏ.
Trong khi đó, khu vực đồng Euro chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sự sụt giảm hoạt động thương mại toàn cầu. Còn Nhật Bản lại gặp khó khăn về xuất khẩu và sản xuất.
Ở trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,71% trong quý II, giảm so với quý I (6,82%). Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,76%, thấp hơn mức tăng của nửa đầu năm 2018 nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017.
Theo báo cáo, CPI bình quân quý II và 6 tháng đầu năm lần lượt tăng 2,65% và 2,64%. Lạm phát cơ bản bình quân trong 3 tháng đầu năm và 6 tháng đầu năm đều cao hơn hẳn so với các năm 2017-2018 đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.
Báo cáo cũng nhận định nửa đầu năm 2019 đã chứng kiến bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có không ít bất định, kể cả thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Đặc biệt, so với giai đoạn 2008-2009, Việt Nam hiện đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới. Quan trọng hơn, các yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh vẫn được lưu tâm, thúc đẩy song song với quá trình ứng phó với bất định của môi trường kinh tế thế giới.
Theo Vietnamfinance