(GVNET) – Tóm tắt
- Giá 81 triệu đồng của vàng miếng SJC đến hôm nay đã hiện diện trong 3 phiên liên tiếp khi vàng thế giới giữ nền giá 2500 USD. Chênh lệch giữa hai thị trường đang dao động dưới mốc 4 triệu đồng.
- Chuyên gia: Bình ổn thị trường bằng cách bán vàng với giá “bình ổn” đã có hiệu quả, nhưng cần các giải pháp mang tính dài hạn.
Nội dung
Thời điểm hiện tại, vàng thế giới vẫn đang giữ trên mốc 2500 USD, giá sau quy đổi đang (đã có thuế, phí) thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 3,7 triệu đồng – mức chênh được cho là trong vùng hợp lý theo khuyến nghị của các chuyên gia.
Theo đó, thị trường vàng miếng sáng nay tiếp tục đi ngang với giá mua là 79 triệu đồng/lượng, giá bán duy trì mốc 81 triệu đồng, chênh lệch mua – bán giữ nguyên khoảng cách 2 triệu đồng.
Cập nhật giá mua – bán vàng miếng tại một số doanh nghiệp thời điểm 10h ngày 22/8:
- SJC Hồ Chí Minh: 79,00 – 81,00 triệu đồng/lượng.
- Doji Hà Nội: 79,00 – 81,00 triệu đồng/lượng.
- Doji Hồ Chí Minh: 79,00 – 81,00 triệu đồng/lượng.
- Bảo Tín Minh Châu: 79,00 – 81,00 triệu đồng/lượng.
- Phú Quý: 79,00 – 81,00 triệu đồng/lượng.
- Giá bán vàng miếng tại Big4 ngân hàng (Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank): 81 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng Nhà nước và công cuộc quản lý thị trường vàng miếng
Từ 22/4-23/5, sau 9 phiên đấu thầu vàng miếng nhưng kết quả không như mong đợi, giá vàng SJC vẫn tăng cao và giữ mức chênh với giá vàng thế giới trên 15 triệu đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dừng việc đấu thầu và triển khai phương án mới.
Bắt đầu từ ngày 3/6, NHNN bắt đầu triển khai bán vàng miếng trực tiếp cho người dân thông qua 4 ngân ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC.
Chiến lược bán vàng trực tiếp cho người dân, không thông qua các trung gian đã kéo ngay giá vàng trong nước xuống. Tiếp theo, các cơ quan chức năng thực hiện đồng thời giải pháp hành chính gồm thanh kiểm tra, định danh vàng, chống đầu cơ đã chấm dứt hiện tượng giá vàng SJC đẩy lên cao bất thường.
Đến nay, giá vàng miếng trong nước chỉ cao hơn vàng thế giới dưới 5 triệu đồng. NHNN cũng liên tục điều chỉnh giá vàng miếng theo diễn biến của giá vàng thế giới, nhằm giữ khoảng cách giữa hai thị trường duy trì ở mức hợp lý.
Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá, bình ổn giá vàng của NHNN đã đạt mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới.
Chính sách bán vàng qua các ngân hàng thương mại đã giúp giảm nhu cầu tích trữ vàng của người dân, từ đó giảm tình trạng vàng hóa trên thị trường, góp phần ổn định thị trường vàng trong ngắn hạn.
Cơ chế bán vàng hiện nay đã giúp giảm bớt “cơn sốt” vàng trong nước, khi người dân không còn ồ ạt mua vàng như trước đây. Điều này giúp ổn định thị trường và ngăn chặn tình trạng “vàng hóa”.
Bằng việc giữ giá vàng miếng SJC ổn định, NHNN đã giúp ổn định tâm lý của người tiêu dùng và nhà đầu tư trong nước, tránh được tình trạng đổ xô mua vàng dẫn đến các cơn sốt vàng không kiểm soát. Điều này, góp phần làm giảm áp lực lên thị trường vàng và tránh các hệ lụy tiêu cực về kinh tế.
Tuy nhiên, bình ổn giá vàng theo cách bán vàng trực tiếp cho người dân lại tạo ra cơn sóng khác. Đó là người dân liên tục xếp hàng ở các điểm bán vàng bình ổn để mua bằng được giá vàng SJC rẻ hơn so với trước, nên đã xuất hiện tình trạng khó mua vàng, người dân chỉ có thể mua được số lượng rất ít, trong khi nhu cầu vẫn tăng mạnh, càng tạo áp lực cho các điểm bán vàng bình ổn.
Sau khi các doanh nghiệp bán vàng bình ổn chuyển sang bán vàng online, người dân vẫn rất khó khăn trong việc mua vàng. Khi giao dịch chính thức bị hạn chế, thị trường “chợ đen” đã phát triển mạnh mẽ, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, gây khó khăn cho việc quản lý thị trường vàng của Nhà nước.
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, NHNN đang đi đúng hướng trong việc bình ổn giá vàng, nhưng vẫn cần các giải pháp mang tính dài hạn và chiến lược hơn.
NHNN cần xem xét bỏ độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng bằng cách sửa đổi Nghị định 24/2012, cho phép nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vàng.
Điều này, không gây mất nguồn lực ngoại tệ quá lớn. Vì theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng của Việt Nam chỉ vào khoảng 50 tấn/năm, tương đương 3 tỷ USD. Hiện giá trị nhiều mặt hàng nhập khẩu như mỹ phẩm, bia rượu và thuốc lá nhập khẩu đã nhiều hơn con số này.
Theo giới phân tích, việc bình ổn giá vàng chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết được căn bản vấn đề cung cầu trên thị trường vàng. Việc bình ổn giá vàng đòi hỏi nhiều nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Do đó, trong thời gian tới, NHNN cần kết hợp nhiều giải pháp để bình ổn thị trường vàng, không chỉ dựa vào việc mua bán vàng của Nhà nước.
Giavang.net