30 C
Hanoi
17/09/2024
Image default
Tin mới nhất Vàng Vàng thế giới Vàng trong nước

Áp lực tỷ giá và tác động tới giá vàng

Trong khi giá vàng thế giới đang có xu hướng giảm thì yếu tố tỷ giá ở Việt Nam lại đang có tác động tăng, khiến giá vàng trong nước sẽ tiếp tục biến động ngược chiều.

Xu hướng giá vàng thế giới giảm

Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất kể từ ngày 26/8, dưới áp lực giảm từ việc đồng USD tăng giá trở lại và nhà đầu tư thận trọng trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng trước vào đêm 13/9 theo giờ Việt Nam.

Sau báo cáo CPI sẽ là báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Năm. Đợt số liệu lạm phát này của Mỹ sẽ là một căn cứ quan trọng cho các động thái chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), từ đó sẽ tác động đến tỷ giá của Việt Nam. Có hai yếu tố mà chúng ta cần phải quan sát đó là các tài sản có ảnh hưởng bởi tỷ giá VND/USD tăng như vàng; và hai là chính sách tiền tệ liệu có thay đổi hay không.

Về thị trường vàng, giá vàng quốc tế thời điểm tháng 3/2023 đã có sự tăng vọt, nhưng đến hiện tại xu hướng chung là giảm. Nguyên nhân bởi vàng là một tài sản không có lãi suất, khi môi trường lãi suất cao hoặc ở các thị trường tài chính phát triển, lợi suất trái phiếu Chính phủ cao, thì mọi người sẽ chuyển dịch tài sản từ vàng sang trái phiếu hoặc các tài sản khác để tận dụng đà tăng.

Báo cáo gần đây nhất của Hội đồng Vàng Thế giới đã đặt ra vấn đề, liệu vàng có thể chịu được sức ép của lợi suất trái phiếu hay không? Họ đưa ra hiệu suất như sau: lợi suất kỳ hạn ngắn tăng chậm hơn kỳ hạn dài và như vậy giá trái phiếu vẫn tiếp tục giảm, đường cong lãi suất sẽ cong hơn.

Hội đồng Vàng Thế giới cũng thống kê ở mỗi chu kỳ đều có bốn loại sản phẩm tài chính gồm cổ phiếu, trái phiếu, giá các loại hàng hóa và vàng. Trong mỗi chu kỳ biến động, giá của mỗi loại sẽ khác nhau. Hiện tại chúng ta đang ở trong chu kỳ lợi suất kỳ hạn ngắn tăng chậm hơn kỳ hạn dài, dẫn đến trái phiếu giảm giá, còn cổ phiếu sẽ có sự tăng giá, riêng vàng tăng rất thấp (ở mức 3,63%) so với các chu kỳ khác. Điều đó cho thấy lợi suất kỳ hạn ngắn của trái phiếu Chính phủ đang gây sức ép lên giá vàng thế giới.

Tương tự, với tuyên bố gần đây tại hội nghị Jackson Hole của Fed, lợi suất trái phiếu các kỳ hạn 2 năm và 10 năm của Mỹ đang ở góc độ tạo sức ép rất lớn cho giá vàng. Theo góc nhìn của tôi về mặt lý thuyết, mô hình của Hội đồng Vàng Thế giới đưa ra nếu theo đúng các biến số như vậy thì giá vàng thế giới phải giảm đến 4,46%. Tuy nhiên, thực tế vàng trong tháng 8 chỉ giảm 1,28% và vẫn có một khoảng tăng trưởng khoảng 3% do các yếu tố không xác định.

Từ đó chúng ta sẽ nhìn thấy xu hướng chung của vàng thế giới đang được các mô hình tính toán và định giá rằng sẽ có sức ép giảm, nhưng trên thực tế do nhu cầu phòng tránh rủi rom thì giá vàng đã không  giảm như kỳ vọng.

Giá vàng trong nước dự báo tăng

Khi nhìn về tỷ giá sẽ thấy, sức mạnh của đồng đô la Mỹ (DXY) đang trong chu kì tăng trở lại khiến giá vàng quốc tế giảm, nhưng với giá vàng Việt Nam thì ngược lại.

Tháng trước, mức độ thay đổi của giá vàng trong tháng là 3,63%, còn từ đầu năm là 7,74%; cho đến tháng này, đà tăng vẫn tiếp tục.

Như vậy, chúng ta đều nhìn thấy xu hướng rất rõ ràng đối với giá vàng của Việt Nam, đó là phần ảnh hưởng của giá vàng quốc tế thấp hơn nhiều so với tỷ giá hoặc nhu cầu vàng trong nước. Chính vì vậy, nếu chúng ta cho rằng tỷ giá trong tương lai có thể biến động theo hướng tăng, thì vàng sẽ là một công cụ phù hợp trên thị trường tài chính.

Khác với vàng nhẫn, giá vàng SJC chỉ tăng 3,25% từ đầu năm đến nay, nhưng trong tháng cũng tăng khá mạnh là 1,56%. So sánh tương quan thì giá vàng nhẫn so với giá vàng thế giới chạy khá cùng chiều, trong khi giá vàng SJC lại đang rất cao “một mình một chợ”, nếu nhà đầu tư mua vào vàng SJC có thể đối mặt với rủi ro cao.

Thêm một điểm nữa mà tôi cho rằng chúng ta cần quan tâm nhất là tỷ giá có còn áp lực hay không? Hiện nay chênh lệch lãi suất trên thị trường liên ngân hàng so với Fed Fund Rate (lãi suất quỹ Liên bang) đang rất lớn khoảng 5%. Tại cuộc họp ngày 21/9 tới, dù 80% thị trường cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất, nhưng nếu có một luồng tiền thanh toán nào lớn thì sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá của Việt Nam và ngay khi đó, tỷ giá sẽ tăng đồng thời đẩy giá vàng tăng nhanh.

Chúng ta đều thấy trong thời gian qua, lãi suất bắt đầu giảm nhanh từ thời điểm tháng 7/2023 và tỷ giá cũng bắt đầu tăng từ tháng 7. Theo tôi, nếu vẫn tiếp tục chênh lệch lãi suất cho đến thời điểm cuối năm thì tỷ giá có thể sẽ tiếp tục tịnh tiến và như vậy ảnh hưởng đến giá vàng.

Vấn đề tôi muốn nếu ra là “nghịch lý” của giá vàng, nhưng lại hợp lý trên thị trường Việt Nam khi chúng ta đều thấy rõ hai yếu tố gồm giá vàng thế giới và tỷ giá đô – đồng. Nếu trên thế giới giá vàng đang có xu hướng giảm hoặc giảm nhẹ, thì yếu tố tỷ giá ở Việt Nam lại đang có tác động tăng, thậm chí tăng mạnh ít nhất là 1-2% trong thời gian ngắn, khiến giá vàng Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục biến động ngược chiều so với giá vàng thế giới.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Tin liên quan

Đang tải....