30 C
Hanoi
26/04/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Anh: Loạt nghị sỹ kêu gọi Thủ tướng từ chức

Báo The Guardian ngày 16/10 mô tả Thủ tướng Liz Truss đang “chiến đấu để sinh tồn” sau khi các nghị sĩ đảng Bảo thủ đe dọa “sẽ lật đổ bà” và cho biết bà “chỉ còn một khoảng thời gian tại nhiệm”.

Ngày 16/10, nghị sĩ Crispin Blunt đã trở thành nghị sĩ đảng Bảo thủ đầu tiên công khai kêu gọi bà Truss từ chức. Trả lời trên chương trình Andrew Neil Show phát trên kênh truyền hình Channel 4, nghị sĩ Blunt cho rằng Thủ tướng Trus không thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

“Tôi nghĩ trò chơi đã kết thúc. Câu hỏi bây giờ là ai sẽ tiếp quản vị trí này”, nghị sĩ Blunt nói và gợi ý thay thế bà Truss bằng những ứng viên như ông Rishi Sunak, Penny Mordaunt và Jeremy Hunt.

Sau đó, nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ khác sau đó cũng lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của Crispin Blunt. Nghị sĩ Andrew Bridgen nói rằng “đất nước, người dân và đảng của chúng ta xứng đáng được tốt hơn”.

Trong khi đó, nghị sĩ Malcolm Rifkind nói các thành viên đảng Bảo thủ yêu cầu bà Truss từ chức là “vì lợi ích quốc gia”. Nghị sĩ Jamie Wallis tuyên bố ông đã viết thư cho Thủ tướng Liz Truss kêu gọi bà từ chức vì bà không còn giữ được niềm tin của người dân nước Anh.

Nghị sĩ cấp cao khác của đảng Bảo thủ là cựu Bộ trưởng Mark Garnier cũng gây sức ép đối với nữ lãnh đạo này. Ông cho rằng mặc dù bà đang tại chức nhưng không nắm quyền.

Theo Guardian, các nghị sĩ được cho là đã gửi thư bất tín nhiệm Thủ tướng Liz Truss tới Chủ tịch Ủy ban 1922 Graham Brady. Cơ quan này có nhiệm vụ giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ.

Theo quy định, bà Truss sẽ không phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong một năm tới. Tuy nhiên, năm 2019, Ủy ban 1922 từng dọa thay đổi quy định này.

Các nhóm nghị sĩ của đảng Bảo thủ dự kiến ​​gặp nhau trong tuần này để thảo luận về việc phế truất bà Truss. Tình thế càng khó khăn hơn với bà Truss khi các đồng minh của Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace đang vận động nghị sĩ ủng hộ ông lên nắm quyền.

Các động thái diễn ra sau khi bà Truss thông báo “đảo ngược” quyết định giảm thuế và bổ nhiệm ông Jeremy Hunt làm bộ trưởng tài chính thay cho ông Kwaise Kwarteng ngày 14/10, Thủ tướng Truss nỗ lực ổn định thị trường tài chính, vốn đang bị chao đảo mạnh sau khi gói “Ngân sách nhỏ” được công bố vào ngày 23/9. Bà thừa nhận gói “Ngân sách nhỏ” của chính phủ đã “đi xa hơn và nhanh hơn” so với những gì thị trường mong đợi, dẫn đến những bất ổn.

Đồng bảng và trái phiếu chính phủ Anh giảm mạnh sau phát biểu của bà Truss. Các nhà kinh tế học và giới đầu tư cho hay việc bà đảo ngược kế hoạch cắt giảm thuế vẫn chưa đủ để khôi phục ổn định kinh tế.

Nhận định về kế hoạch kinh tế ban đầu của Thủ tướng Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông không phải là người duy nhất nghĩ rằng đó là một sai lầm, đồng thời bày tỏ lo ngại về những chính sách của các nước có thể ảnh hưởng Mỹ giữa “lạm phát khắp thế giới”. Giới quan sát cho rằng việc phê phán chính sách đối nội của một trong những đồng minh thân cận là điều bất thường đối với một Tổng thống Mỹ.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....