Với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu trong năm 2018, Ấn Độ có khả năng sẽ vượt mặt Vương quốc Anh, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm nay.
Tuy nhiên, con đường đạt đến mục tiêu này sẽ không dễ dàng. Theo Bloomberg, kết quả của cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5 tới có nguy cơ trở thành cái bẫy của nền kinh tế Ấn Độ, vốn đã phải chống chọi với sự hỗn loạn từ các thị trường mới nổi và tình trạng đồng nội tệ mất giá kỷ lục trong năm vừa qua.
Bên cạnh đó, bất cứ động thái nào làm suy yếu sự tự do của ngân hàng trung ương và tác động vào nguồn vốn dồi dào của đất nước từ chính phủ đều có thể gây hoang mang cho nhà đầu tư cũng như mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Dưới đây là 3 vấn đề nổi bật, dự báo sẽ gây tác động đến nền kinh tế ở Nam Á này trong năm 2019.
1. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại
Theo các chuyên gia thuộc ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ giảm còn khoảng 2,8% trong năm nay, từ mức 3,2% hồi năm 2018. Trong đó, dẫn đầu đà giảm tốc sẽ là nền kinh tế Trung Quốc, đi cùng với sự điều tiết từ Hoa Kỳ và khu vực đồng tiền chung châu Âu trước các xu hướng dài hạn của nền kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia của ngân hàng này dự báo, “trong điều kiện nhịp tăng trưởng theo chu kỳ trở nên khó nắm giữ hơn, xuất khẩu, sản xuất và chu kỳ đầu tư tại Ấn Độ sẽ suy yếu”.
2. Chính sách tiền tệ
Sau 2 lần tăng lãi suất trong năm 2018, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) có thể đảo ngược quá trình này bằng việc từ bỏ chính sách thắt chặt tiền tệ để theo đuổi một lập trường có phần trung lập hơn vào năm 2019. Với việc sức tiêu dùng suy yếu do sự thắt chặt chính sách tiền tệ và giá dầu giảm, lạm phát dự kiến sẽ chạm ngưỡng trung bình 4% – mục tiêu trung hạn của RBI trong quý I/2019. Theo một số chuyên gia phân tích, ủy ban chính sách tiền tệ gồm 6 thành viên của ngân hàng thậm chí có thể sẽ rơi vào tình thế phải cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm nay.
Ông Shaktikanta Das – tân Thống đốc của RBI, người được xem là có khuynh hướng theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng hơn người tiền nhiệm của mình – cho biết, lạm phát đang ở mức tốt, và hỗ trợ tăng trưởng là một phần trong mục tiêu của ngân hàng trung ương. Động thái cắt giảm lãi suất từ RBI có thể thúc đẩy cho vay và tăng trưởng trước thềm của cuộc tổng tuyển cử.
3. Rủi ro từ cuộc tổng tuyển cử
Cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5 tới được dự báo sẽ là cuộc đua đầy cam go giữa đảng cầm quyền Bharatiya Janata Party (BJP) với phe đối lập. Thời điểm này, áp lực ngân sách đang ngày một đè nặng lên vai Thủ tướng Narendra Modi, khi người lãnh đạo của đảng BJP buộc phải đẩy mạnh chi tiêu để vừa hỗ trợ nông dân, vừa củng cố lòng tin từ cử tri lẫn thúc đẩy một nền kinh tế Ấn Độ đang bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Tháng trước, áp lực này lại tiếp tục tăng lên, sau kết quả đáng thất vọng của đảng BJP trong những cuộc bỏ phiếu ở các bang quan trọng và tuyên bố miễn nợ cho các khoản vay nông nghiệp của đảng đối lập tại 3 bang mà nó giành được từ BJP.
Hiện, chính phủ của ông Modi được cho là đang xem xét 3 phương án, bao gồm một gói cứu trợ bằng tiền mặt để giảm bớt khó khăn cho những nông dân đang điêu đứng vì giá nông sản xuống thấp, và đồng thời củng cố niềm tin của người dân trước thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử. Được biết, chính phủ đã tiến hành cắt giảm thuế đối với một số mặt hàng và dịch vụ, bên cạnh tuyên bố miễn thuế lương hưu để xoa dịu cử tri.
Và, với việc chính phủ Ấn Độ vượt quá mức thâm hụt ngân sách cho phép vào tháng 10 năm ngoái, bất cứ phương án chi tiêu bổ sung nào cũng đều sẽ cần được cân đo đong đếm khả năng cắt giảm một cách kỹ lưỡng, thì mới có thể đáp ứng mục tiêu tài chính cho cả năm là 3,3% GDP khi hết quý I.
Có thể nói, việc Thủ tướng Modi và đảng cầm quyền của ông không giành được chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ trở thành một rủi ro đối với nền kinh tế, nếu xét trên phương diện tính liên tục của chính sách; do đó, các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao sự kiện này. Sonal Varma – trưởng chuyên gia kinh tế khu vực Ấn Độ thuộc ngân hàng Nomura – dự đoán, tình trạng bất định của chính phủ sẽ tiếp tục kéo dài cho tới khi một chính quyền mới được thiết lập vào tháng 5, gây sức ì cho tăng trưởng chi tiêu trong nửa đầu 2019.
Theo Doanh nhân Sài Gòn