28 C
Hanoi
04/10/2024
Image default
Phân tích chuyên sâu thị trường

VIP Chuyên sâu: Quý III: Vàng nội – ngoại đua nhau phá đỉnh, Fed là chất xúc tác mạnh nhất

(GVNET) Thị trường vàng thế giới trong tháng 9 nói riêng và trong quý III nói chung diễn biến hết sức tích cực với liên tục các mức đỉnh kỉ lục mới được ghi nhận. Theo đó, giá vàng trong nước cũng diễn biến hết sức tích cực, ghi nhận các mức cao mới.

Thị trường vàng thế giới: Liên tục phá đỉnh kỉ lục

Thị trường vàng thế giới nối dài xu hướng tăng của giá vàng hồi đầu năm và bước vào quý III trong một tâm thế hết sức lạc quan khi nhà đầu tư tin tưởng vào xu hướng nới lỏng tiền tệ toàn cầu, nhu cầu gom mua của các Ngân hàng trung ương hay dòng tiền ETF trở lại.

Tính từ đầu quý III, giá vàng đã tăng 13% – động thái tăng giá của vàng vượt trội hơn hẳn cổ phiếu và các tài sản khác. Còn chỉ riêng trong tháng 9 vàng đã tăng 5,24% – xác nhận 3 tháng liên tục đi lên.

Xu hướng tăng của vàng xuất hiện khi USD và Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ liên tục giảm, về mức thấp nhất trong năm khi nhà đầu tư đặt cược vào chu kì cắt giảm lãi suất của Fed.

Các Ngân hàng trung ương toàn cầu hạ lãi suất

Sau khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ hạ lãi suất vào tháng 3, các ông lớn Ngân hàng trung ương được đồn đoán sẽ bắt đầu hạ lãi suất trong quý III và quý IV năm nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế khi lạm phát giảm dần và rủi ro suy thoái bắt đầu hiện hữu.

Ngay trong những ngày đầu tháng 6, cụ thể là phiên 6/6, Ngân hàng trung ương châu Âu ECB đã thực hiện động thái hạ lãi suất đầu tiên sau 5 năm. Hành động của ECB nhằm kích thích nền kinh tế vốn đang có dấu hiệu yếu đi.

Xu hướng hạ lãi suất tiếp tục được mở rộng với Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ngày 1/8 đã có lần hạ lãi suất đầu tiên trong hơn 4 năm sau cuộc biểu quyết sát nút tại Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) – cơ quan quyết định lãi suất ngắn hạn của BOE. Với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Ủy ban này quyết định hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 5%. Động thái này được xem một cú huých cho cam kết hồi sinh tăng trưởng kinh tế của đảng Lao động cầm quyền.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất thúc đẩy các nhà đầu tư tìm tới vàng chính là việc thị trường ngày càng đặt cược vào chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ khi tăng trưởng việc làm yếu đi rõ rệt và lạm phát hạ nhiệt. Trong ngày 18/9 vừa qua, Fed đã bất ngờ hạ lãi suất tới 50 điểm cơ bản thể hiện sự quyết tâm của Ngân hàng trung ương trong việc hướng tới nhiệm vụ hỗ trợ thị trường lao động.

Ông Jerome Powell – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết: “Ủy ban Thị trường Mở Liên bang đã quyết định giảm mức độ thắt chặt tiền tệ bằng cách hạ lãi suất chính sách 0,5 điểm %. Quyết định này phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của chúng tôi rằng với việc hiệu chỉnh lại lập trường chính sách của mình một cách phù hợp, sức mạnh của thị trường lao động có thể được duy trì trong bối cảnh tăng trưởng vừa phải và lạm phát giảm xuống mức bền vững là 2%”.

Lịch sử cũng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa việc cắt giảm lãi suất và sự tăng trưởng của giá vàng. Từ năm 1967, trong 11 lần Fed hạ lãi suất lớn, giá vàng tăng trong 7 lần, đặc biệt trong những giai đoạn lạm phát cao như năm 1971 và 2008. Tuy nhiên, có những thời điểm giá vàng không tăng theo dự đoán sau khi lãi suất giảm vì bị chi phối bởi các yếu tố khác như biến động kinh tế toàn cầu. Năm 1974, Fed giảm lãi suất từ 13% xuống 12% trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nhưng giá vàng lại giảm 9,1% từ mức $154/oz xuống $140/oz. Nguyên nhân của việc này là do trước đó giá vàng đã tăng mạnh, khiến các nhà đầu tư chốt lời.

Mối quan hệ giữa hành động của Fed và giá vàng thường thể hiện tính tương quan rõ ràng, nhưng không phải lúc nào cũng có mối quan hệ nhân quả trực tiếp. Khi Fed tăng lãi suất, chi phí vay mượn tăng, dẫn đến dòng vốn chuyển hướng vào các tài sản tài chính khác có lợi suất cao hơn khiến giá vàng – vốn không tạo ra lợi suất, giảm. Ngược lại, khi Fed cắt giảm lãi suất, lãi suất trái phiếu và cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn, làm tăng sức hút của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.

Các ngân hàng trung ương gom vàng không biết mệt

Việc các Ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục gom mua vàng là một trong những động lực chính thúc đẩy giá vàng tăng nhanh, bền vững. Các Ngân hàng trung ương là nhóm mua vàng mà ít quan tâm tới giá cả nhất, mục đích của họ là gia tăng dự trữ, phân bổ vàng trong danh mục đầu tư cũng như quản trị rủi ro hệ thống.

Cho dù giá vàng liên tục đạt mức cao kỷ lục mới, lượng mua ròng của các ngân hàng trung ương vẫn tăng gấp đôi lên 37 tấn vào tháng 7 và nhu cầu dự kiến ​​sẽ vẫn mạnh trong những tháng tới, theo Hội đồng Vàng Thế giới.

Trong báo cáo mới nhất của WGC, Krishan Gopaul, Chuyên gia phân tích cao cấp EMEA cho biết các ngân hàng trung ương toàn cầu– thông qua IMF và dữ liệu công khai – đã bổ sung thêm 37 tấn ròng vào dự trữ chính thức. Con số này thể hiện mức tăng 206% so với tháng trước và là tổng số hàng tháng cao nhất kể từ tháng 1 (45 tấn).

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã dừng mua vàng. Việc Ngân hàng PBoC dừng mua vàng 4 tháng liên tục có thể là do áp lực của mức giá cao. Lượng vàng dự trữ của Trung Quốc đạt 72,8 triệu ounce vàng nguyên chất vào cuối tháng 8/2024. Trước khi tạm dừng mua vàng, PBOC đã mua vàng trong 18 tháng liên tiếp. PBOC là đơn vị mua vàng lớn nhất thế giới vào năm 2023 và quyết định tạm dừng mua vàng của ngân hàng này đã góp phần làm giảm nhu cầu của các nhà đầu tư Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Các quỹ ETF trở lại với vàng

Các quỹ ETF đã trở lại đầu tư vàng sau giai đoạn bán ròng hồi đầu năm. Có lẽ các nhà đầu tư tổ chức đã ‘tiếc ngẩn ngơ’ khi bỏ lỡ một tài sản tăng trưởng ấn tượng tới vậy.

Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust cũng không nằm ngoài xu hướng này. Sau khi bán ròng mạnh vào nửa đầu năm, quỹ đã mua lại tới 25,89 tấn trong quý III vừa qua. Theo đó, lượng bán ròng của quỹ cả năm thu hẹp về chỉ còn 7,17 tấn.

Bất ổn địa chính trị

Bất ổn địa chính trị luôn là yếu tố khiến nhà đầu tư cân nhắc mua thêm vàng. Xung đột ở Nga – Ukraine sắp bước sang năm thứ ba trong khi chảo lửa Trung Đông tiếp tục nóng lên khiến dòng tiền đổ xô vào vàng tìm nơi trú ẩn.

Quốc tế đang theo sát mọi diễn biến tại chảo lửa Trung Đông sau vụ Iran phóng gần 200 tên lửa vào Israel để trả đũa cho việc các thủ lĩnh cao nhất của phong trào Hamas (Palestine), Hezbollah của Lebanon và các chỉ huy của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran bị Israel sát hại.

Nội bộ Israel ủng hộ một hành động quân sự mạnh mẽ với Iran nhằm gửi một thông điệp cứng rắn tới toàn bộ trục kháng chiến thân Iran. Truyền thông Mỹ loan tin, Israel có thể tiến hành một cuộc trả đũa Iran “đáng kể” trong vài ngày tới, nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ và các địa điểm chiến lược khác của Iran, ám chỉ các cơ sở làm giàu Urani.

Căng thẳng Trung Đông tiếp tục leo thang khi lực lượng Houthi tại Yemen, thân Iran, trưa 2/10 tuyên bố đã tấn công Israel bằng tên lửa hành trình. Người phát ngôn Houthi Yahya Sarea cho biết: “Lực lượng tên lửa của Houthi đã thực hiện một chiến dịch quân sự nhắm vào các địa điểm quân sự sâu bên trong Israel, với ba tên lửa hành trình Quds 5. Các tên lửa đã có thể tiếp cận thành công mục tiêu, nhưng Israel giữ bí mật kết quả của chiến dịch”.

Trong bối cảnh đó, lực lượng Israel vẫn tiếp tục các chiến dịch trên bộ tại miền Nam Lebanon, với việc điều các đơn vị bộ binh và thiết giáp chính quy tham gia.  Theo quân đội Israel, các hoạt động trên bộ tại Lebanon chủ yếu nhằm phá hủy các đường hầm và cơ sở hạ tầng của Hezbollah gần biên giới và Israel không có kế hoạch mở rộng quy mô vào thủ đô Beirut và các thành phố lớn khác ở miền Nam Lebanon. Giao tranh giữa hai bên vẫn đang xảy ra, với những thiệt hại chưa được báo cáo.

Thị trường vàng trong nước: Vàng nhẫn trên cơ vàng miếng

Tính trong quý III, thị trường vàng miếng ghi nhận đà tăng khoảng 6-6,5 triệu đồng mỗi lượng chiều mua và 6,5 triệu đồng/lượng chiều bán. Với chênh lệch mua – bán khoảng 1,5-2 triệu đồng, nắm giữ vàng miếng từ đầu quý tới nay sẽ có mức lợi nhuận khoảng 4,5-4,7 triệu đồng mỗi lượng.

Description: https://giavang.net/wp-content/uploads/2024/10/image-6.pngDiễn biến giá vàng miếng SJC trong quý III/2024

Trong khi đó, thị trường vàng nhẫn đạt mức tăng khoảng 7,6-8,6 triệu đồng/lượng chiều mua và khoảng 7,5-7,7 triệu đồng/lượng trong quý III vừa qua. Nếu nắm giữ vàng nhẫn, nhà đầu tư sẽ đạt mức lãi từ 6-7 triệu đồng mỗi lượng sau 3 tháng mua vàng.

Như vậy, trong khoảng thời gian 3 tháng, người “ôm” vàng nhẫn vẫn đang thắng thế so với người nắm giữ vàng miếng.

Xem thêm chi tiết tại phân tích của chúng tôi

Triển vọng giá vàng thời gian tới

Theo các nhà phân tích toàn cầu, trong bối cảnh hiện nay, triển vọng giá vàng sắp tới hoàn toàn khả quan. Thậm chí, các chuyên gia nhận định, giá vàng có thể lên mức $3000/oz trong dài hạn.

“Kể từ khi bứt phá liên tục trên mức 2.000 USD một ounce vào cuối năm 2023, vàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vàng vẫn là nơi trú ẩn ổn định và giá của kim loại quý này có thể tăng lên 2.700 USD/oz vào giữa năm 2025”, ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của ngân hàng UOB nhấn mạnh.

Goldman Sachs hồi đầu tuần công bố tăng dự báo giá vàng thêm 200USD/ounce, từ 2.700 USD lên 2.900 USD, cho tới đầu năm 2025.

“Chúng tôi nhắc lại khuyến nghị mua vàng dài hạn của mình do sự thúc đẩy dần dần từ lãi suất toàn cầu thấp hơn, nhu cầu của ngân hàng trung ương cao hơn về mặt cấu trúc và lợi ích phòng ngừa rủi ro của vàng trước các rủi ro địa chính trị, tài chính và suy thoái”, nhà băng này cho biết trong một lưu ý.

Darin Newsom, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Barchart cho rằng vàng có thể tiếp tục xu hướng tích cực cho đến khi bị tác động. Những yếu tố có thể tạo lực cản cho kim loại quý là hoạt động của nhà đầu tư. Tuy nhiên, với biến động địa chính trị gia tăng, các nhà đầu tư không có lí do gì để rời bỏ vàng cả.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....