25 C
Hanoi
23/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Đầu tư vàng Tin mới nhất Vàng

Tuần 5-10/8: SJC giảm mạnh, vàng nhẫn tăng khiêm tốn khi vàng thế giới lùi 0,5%

(GVNET) – Tóm tắt

  • Vàng miếng SJC có 2 lần điều chỉnh trong tuần này và ghi nhận đà giảm từ 1,3-1,8 triệu đồng cả tuần.
  • Vàng thế giới giảm 0,5% trong tuần này, chênh lệch với vàng miếng giảm gần 1 triệu đồng.
  • Vàng nhẫn ngược chiều tăng nhẹ, chênh lệch với miếng giảm mạnh trong khi khoảng cách với vàng thế giới gia tăng.

Vàng miếng giảm mạnh

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 10/8, thị trường vàng miếng có giá mua vào đứng tại ngưỡng 76,5 triệu đồng/lượng, giá bán neo tại 78,5 triệu đồng/lượng. So với phiên đầu tuần 5/8, giá mua giảm tới 1,8 triệu đồng/lượng trong khi giá bán giảm 1,3 triệu đồng/lượng.

Với nhịp điều chỉnh sâu hơn ở chiều mua vào, chênh lệch mua – bán tăng lên 2 triệu đồng từ mức 1,5 triệu đồng ngày đầu tuần.

Trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có 2 lần điều chỉnh giá bán vàng miếng trực tiếp và cả 2 lần đều điều chỉnh theo hướng di chuyển đi xuống của giá vàng thế giới.

Lần điều chỉnh đầu tiên trong tuần tại phiên thứ Ba 6/8, NHNN giảm 800.000 đồng giá bán trực tiếp từ 78,8 triệu đồng xuống còn 78 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá bán vàng miếng tại các doanh nghiệp vàng và Big4 ngân hàng cũng đồng loạt hạ 800.000 đồng – từ 79,8 triệu đồng xuống còn 79 triệu đồng/lượng.

Lần điều chỉnh thứ 2 được ghi nhận tại phiên 8/8, NHNN đã giảm 500.000 đồng giá vàng miếng xuống còn 77,5 triệu đồng, từ mức 78 triệu đồng/lượng trước đó, và giá bán tại Big4 và các doanh nghiệp vàng trong phiên này cũng giảm cùng biên độ xuống 78,5 triệu đồng, từ mức 79 triệu đồng trước đó.

Động thái điều tiết giá vàng miếng của NHNN nhằm giữ khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới ở mức hợp lý.

Với mức giá hiện tại ở ngưỡng 78,5 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 2,5 triệu đồng, giảm 800.000 đồng so với cuối tuần trước.

Đề cập đến các biện pháp quản lý thị trường vàng gần đây của NHNN, Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới – cho hay, các giải pháp quản lý vàng gần đây của NHNN là nhằm bình ổn thị trường vàng nội địa, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Mỗi ngân hàng trung ương đều có lý do riêng của mình trong giải pháp quản lý với thị trường vàng. Được biết, các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng đang cân nhắc đến việc nhập khẩu vàng, ông Shaokai Fan hy vọng Việt Nam sẽ tạo ra được sự minh bạch và đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường vàng.

Vàng nhẫn tăng khiêm tốn

Trước diễn biến giảm giá của vàng thế giới, vàng nhẫn tuần này ghi nhận xu hướng tăng nhưng nhịp điều chỉnh hết sức khiêm tốn.

Cụ thể, kết thúc phiên cuối tuần 10/8, vàng nhẫn SJC 9999 niêm yết giá mua – bán tại 76,25 – 77,60 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua và 50.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần 5/8.

Bảo Tín Minh Châu có nhịp tăng 60.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán trong cả tuần và chốt phiên 10/8 tại 76,38 – 77,58 triệu đồng/lượng.

Doji ghi nhận đà giảm 50.000 đồng/lượng giá mua, tăng 50.000 đồng/lượng giá bán trong cả tuần, giá mua và bán hiện tại có mức 76,35 – 77,60 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng nhẫn nhìn chung hiện đang neo biên độ mua – bán tại ngưỡng 1,2-1,7 triệu đồng, có sự biến động nhưng không quá đáng kể so với mức chênh trong phiên đầu tuần.

Với mức giá 77,6 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 1,6 triệu đồng, tăng 500.000 đồng so với cuối tuần trước.

Vàng miếng SJC hiện cao hơn vàng nhẫn SJC 900.000 đồng, giảm gần 1,4 triệu đồng so với cuối tuần trước.

Giá vàng thế giới

Chốt tuần ở ngưỡng 2.431 USD/ounce, vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.630 VND/USD) đạt 75,96 triệu đồng/lượng, giảm hơn 500.000 đồng so với cuối tuần trước.

Tính trong cả tuần, giá vàng giảm khoảng 0,5%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 7/6.

Phiên bán tháo vào hôm thứ Hai khiến giá vàng giảm tới 3%. Sau đó, áp lực giảm đối với giá kim loại quý này vơi dần khi thị trường chứng khoán hồi phục và nhà đầu tư tin tưởng Fed sẽ khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp diễn ra vào ngày 18/9. Ngày thứ Năm, giá vàng tăng gần 1,9%.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 đang ở mức 49% và khả năng giảm 0,25 điểm phần trăm đang ở mức 51%.

Trong trung hạn, triển vọng tăng giá của vàng vẫn tích cực. Mỗi đợt giảm sẽ không kéo dài do các yếu tố kinh tế vĩ mô vẫn hỗ trợ”, nhà phân tích Zain Vawda của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định.

Theo ông Vawda, báo cáo thất nghiệp lần đầu tốt hơn dự báo mà Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Năm tuần này đã giúp giải tỏa mối lo kinh tế Mỹ suy thoái, đưa thị trường chứng khoán hồi phục mạnh và giá vàng cũng hồi theo. Ngoài ra, phát biểu của giới chức Fed trong tuần này cũng giúp củng cố khả năng lãi suất sắp giảm.

Hôm thứ Năm, một số quan chức Fed nói họ đã lạc quan hơn rằng lạm phát đang giảm nhiệt đủ để có thể hạ lãi suất. Họ nói thêm rằng dữ liệu kinh tế mới là căn cứ để họ xác định thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất, chứ không phải là biến động thị trường chứng khoán.

Trong tuần này, giá trị của đồng USD giảm nhẹ so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua đang nắm giữ các đồng tiền khác, trong khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm. Lợi suất giảm là một yếu tố có lợi cho giá vàng vì vàng là một tài sản không mang lãi suất.

Tuần tới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ hướng tới báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7. Điểm dữ liệu này sẽ làm sắc nét hơn bức tranh lạm phát của Mỹ, từ đó giúp nhà đầu tư định hình chuẩn xác hơn đường đi chính sách của Fed.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....