28 C
Hanoi
28/09/2024
Tin mới nhất Vàng

Giải pháp ổn định thị trường dài hạn, tránh “vàng hóa” nền kinh tế

(GVNET) – Ngân hàng Nhà nước bán vàng bình ổn ra thị trường thông qua Công ty SJC và 4 ngân hàng quốc doanh từ ngày 3/6 đến nay đã kéo chênh lệch giữa vàng miếng SJC và thế giới xuống dưới 5 triệu đồng, từ mức gần 20 triệu đồng thời gian trước.

Các chuyên gia đều thống nhất đánh giá, giải pháp này của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý trong việc bình ổn tâm lý thị trường, đồng thời đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới.

Thay vì bán trực tiếp, cả 5 đơn vị bán vàng bình ổn đều đã chuyển sang hình thức bán vàng trực tuyến, khi những thách thức mới đã xuất hiện, là lượng người mua quá đông hoặc không thể mua; thậm chí có hiện tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế. Nhiều người không mua được vàng dẫn đến tạo tâm lý khan hiếm vàng trên thị trường.

Với hình thức bán vàng trực tuyến, đại diện Agribank cho biết, hằng ngày ngân hàng chỉ phục vụ được một lượng khách nhất định. Do đó, nhiều người có thể chưa đặt lệnh thành công khi ngân hàng đã phát hết số trong ngày. Hệ thống ngân hàng cũng ưu tiên phát số cho các căn cước công dân chưa từng mua vàng tại nhà băng.

Ngoài việc chuyển sang hình thức online, các ngân hàng hiện cũng giới hạn lượt đăng ký mua vàng miếng là 1 lượng mỗi người, so với việc không có hạn mức trong những ngày đầu mở bán.

Hiện tại, ngoài giải pháp tăng cung vàng ra thị trường qua 4 ngân hàng quốc doanh và công ty SJC, rất nhiều biện pháp khác đang được triển khai như: thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, áp dụng hóa đơn điện tử, yêu cầu các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng rà soát các giao dịch đáng ngờ để gửi về Ngân hàng Nhà nước…

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc cho phép nhập khẩu vàng là khó tránh nếu muốn hướng đến mục tiêu giải quyết dứt điểm bài toán bình ổn thị trường vàng,

Bởi từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy vậy, có thông tin cho thấy một lượng lớn vàng vẫn tuồn vào nước ta theo đường không chính thức.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, các biện pháp chính sách mới nhất của Ngân hàng Nhà nước đã giúp bình ổn thị trường vàng, giúp thu hẹp mạnh mẽ chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước, đồng thời mang đến kênh mua vàng thuận tiện cho người dân, người dân không cần phải xếp hàng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều phải cải thiện, rất nhiều người vào đăng ký mua vàng nhưng đều được thông báo các ngân hàng không nhận thêm đơn hàng nữa, nhiều người không thể truy cập được vào hệ thống online của các ngân hàng.

Ngoài ra, tất cả những người mua vàng online phải có danh tính cụ thể, lưu trên hệ thống của các ngân hàng, chịu sự quản lý của các cơ quan thuế hoặc Ngân hàng Nhà nước để kiểm tra được ai mua, số lượng bao nhiêu nhờ vậy tránh được tình trạng mua hộ, mua đầu cơ tích trữ.

Thế nhưng nhìn từ góc độ khác, việc bán vàng online như vậy, quy mô còn rất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Việc ổn định thị trường cần phải có hai yếu tố quan trọng, thứ nhất là về giá, thứ hai về số lượng bán ra.

Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kéo giá xuống thấp, thế nhưng chỉ ổn định về giá là chưa đủ, cần đến sự ổn định về lượng nữa, tức là nguồn cung phải dồi dào để đáp ứng nhu cầu của người dân chứ nếu không, giá này là kết quả của ấn định hành chính chứ không phải theo cung – cầu thị trường. Chính vì vậy, về dài hạn phải hướng đến cung – cầu gặp nhau.

Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, biện pháp tăng cung này nếu kéo dài mãi sẽ dẫn đến tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế khi để một lượng tiền lớn không phục vụ sản xuất mà nằm im trong dân. Tình trạng người dân đội mưa, nắng tập trung đầu tư vào vàng, vàng vật chất lớn, không đầu tư vào sản xuất, không chuyển vàng thành tiền sẽ gây lãng phí rất lớn.

“Trong khi đó, nhu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu ngoại tệ để nhập nguyên liệu đầu vào rất cao, mà vàng không phải là mặt hàng thiết yếu. Nếu đáp ứng một cách vô hạn nhu cầu, thị hiếu, phong trào mua vàng theo đám đông sẽ gây hệ luỵ như vậy”- PGS.TS Ngô Trí Long nói việc bán vàng theo giá niêm yết của Nhà nước chỉ là biện pháp ngắn hạn để kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, đây vẫn sẽ là một cuộc chiến khó khăn trong thời gian tới và phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của giá vàng thế giới. Nếu tâm lý kỳ vọng giá vàng thế giới tăng vẫn lớn thì nhu cầu mua vào của người dân vẫn sẽ ở mức cao, đặc biệt khi mức chênh lệch đã thu hẹp. “Điều này sẽ là một thách thức không nhỏ cho khả năng cung ứng vàng của NHNN trong giai đoạn tới”- ông Hiếu nói và cho rằng, mọi biện pháp của NHNN chỉ là giải pháp trước mắt còn về lâu dài phải sửa hoặc thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP .

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp như thuế, hải quan, thuế VAT hay thuế của các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc để giám sát được thị trường này.

Nhưng cũng cần lưu ý là nếu thuế cao quá thì sẽ kích thích buôn lậu vàng trở lại. Muốn vậy thì phải có giải pháp quản lý tổng thể để thị trường vàng hoạt động một cách minh bạch, với hệ thống hóa đơn, chứng từ chặt chẽ.

Minh bạch, thông suốt một mặt để chống trốn thuế, chống thẩm lậu vàng, quản lý được nhu cầu thật của thị trường, mặt khác còn để đảm bảo chất lượng vàng vật chất. Vàng là mặt hàng đặc biệt, giá trị cao, mà với người dân bình thường kiểm soát chất lượng là rất khó. Chính vì vậy các cơ quan chức năng cần phải giám sát một cách chặt chẽ, đặc biệt chất lượng vàng, tuổi vàng đảm bảo thị trường.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....