(GVNET) – Audio
Các thông tin kinh tế quan trọng của phiên 14/3
- Mỹ: Chỉ số giá sản xuất PPI Mỹ tháng 2 tăng 0,6% hàng tháng và tăng 1,6% hàng năm – cao hơn dự báo là 0,3% và 1,1% tương ứng; cao hơn mức 0,3% và 1% tương ứng của tháng 1.
- Mỹ: Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần giảm còn 209 nghìn từ mức 210 nghìn trước đó, thấp hơn dự báo là 218 nghìn.
- Mỹ: Doanh số bán lẻ tháng 2 tăng 0,6% hàng tháng và tăng 1,5% hàng năm.
Phố Wall giảm trên diện rộng nhưng các chỉ số sụt không quá sâu
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục chịu áp lực bán tại vùng cao kỉ lục với cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như Bất động sản gặp khó khăn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm 14/3, chỉ số Dow Jones rớt 137,66 điểm (tương đương 0,35%) xuống 38.905,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0,3% còn 16.128,53 điểm và chỉ số S&P 500 lùi 0,29% xuống 5.150,48 điểm.
Trên S&P 500, hai nhóm Năng lượng và Viễn thông ghi nhận sắc xanh. 9/11 nhóm ngành còn lại điều chỉnh giảm, dẫn đầu là cổ phiếu Bất động sản.
Tỷ giá
Chỉ số đồng đô la DXY Chỉ số đồng đô la đã tăng lên hơn 103 vào thứ Năm, lấy lại mức giảm trong phiên trước đó, sau khi dữ liệu gần đây cho thấy áp lực lạm phát vẫn tăng cao, làm giảm sự lạc quan về khả năng giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang trong năm nay.
Dầu thô lên cao nhất 4 tháng
Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán thị trường sẽ thắt chặt hơn vào năm 2024 và nâng mức dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/03, hợp đồng dầu Brent tiến 10 xu (tương đương 0,12%) lên 84,13 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 7 xu (tương đương 0,9%) lên 79,79 USD/thùng.
Cơ quan giám sát năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2024, tăng 110.000 thùng/ngày so với dự đoán tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 2,3 triệu thùng/ngày trong năm ngoái.
IEA cũng cắt giảm dự báo nguồn cung năm 2024 và hiện dự kiến nguồn cung dầu sẽ tăng 800.000 thùng/ngày lên 102,9 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Vàng lên bổng xuống trầm vì tin lạm phát
Sau khi hồi phục ấn tượng vào thứ Tư, vàng lại chịu áp lực bán vào thứ Năm khi dữ liệu lạm phát sản xuất cảnh báo Fed chưa vội hạ sâu lãi suất.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/03, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,5% xuống $2163,09/oz.
Hợp đồng vàng tương lai mất 0,6% còn $2167,5/oz.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust giữ nguyên lượng vàng nắm giữ ở mức 816,86 tấn do không ghi nhận vị thế mua – bán trong ngày thứ Năm.
Kết luận
Biến động thị trường tài chính tuần này xuất hiện khi nhà đầu tư liên tục đón tin về lạm phát tiêu dùng, lạm phát sản xuất cùng các tin tức khác về nền kinh tế như Bán lẻ hay Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Nhìn chung, thị trường vẫn đang định giá theo kịch bản Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 3, tháng 5 và bắt đầu hạ lãi suất trong tháng 6. Tuy nhiên, với các số liệu việc làm và lạm phát vừa công bố, giới đầu tư đang dần thay đổi kì vọng về việc Fed sẽ hạ lãi suất hơn 100 điểm trong năm nay xuống chỉ còn khoảng 4 lần hạ lãi suất, mỗi lần 25 điểm.
Tuần tới có cuộc họp FOMC tháng 3 và chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên đưa danh mục về mức an toàn đảm bảo quản trị rủi ro trước những bất ngờ khó lường trước.
Giavang.net