(GVN) – Audio
Các tin tức, số liệu kinh tế đáng chú ý trong phiên 05/02
- Châu Âu: Chỉ số PMI dịch vụ tháng 1 đạt 48,4.
- Châu Âu: Chỉ số PMI hỗn hợp của S&P Global tháng 1 đạt 47,9.
- Anh: Chỉ số quản lí sức mua hỗn hợp tháng 1 đạt 52,9 – cao hơn dự báo là 52,5.
- Anh: Chỉ số PMI dịch vụ tháng 1 đạt 54,3 – cao hơn dự báo là 53,8.
- Châu Âu: Độ tự tin của nhà đầu tư Sentix tháng 2 đạt -12,9 – tệ hơn dự báo là -15.
- Châu Âu: Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 12 giảm 0,8% hàng tháng và giảm 10,6% hàng năm.
- Mỹ: Chỉ số PMI hỗn hợp của S&P Global tháng 1 đạt 52 – thấp hơn dự báo là 52,3.
- Mỹ: Chỉ số PMI Dịch vụ tháng 1 đạt 52,5 – tệ hơn dự báo là 52,9.
- Mỹ: Chỉ số việc làm phi sản xuất của ISM tháng 1 đạt 50,5 – cao hơn nhiều dự báo là 49,3.
- Mỹ: Chỉ số PMI phi sản xuất của ISM tháng 1 đạt 53,4 – cao hơn dự báo là 52.
- Mỹ: Chỉ số giá phi sản xất của ISM tháng 1 đạt 64 – cao hơn nhiều dự báo là 56,5.
Các chỉ số chính phố Wall giảm dưới 1%, cổ phiếu Công nghệ vẫn mạnh
Sau khi chạm đỉnh kỉ lục mới vào cuối tuần trước, phố Wall mở phiên đầu tuần 5/2 dưới ngưỡng tham chiếu và chịu áp lực chốt lời mạnh. Thị trường có lúc mất hơn 1% nhưng đã xóa bớt đà giảm vào cuối ngày.
Kết phiên giao dịch thứ Hai 5/2, chỉ số Dow Jones rớt 274,30 điểm (tương đương 0,71%) xuống 38.380,12 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,32% còn 4.942,81 điểm sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tuần trước nhờ các cổ phiếu công nghệ lớn tăng vọt. Cùng chiều, Nasdaq Composite lùi 0,2% xuống 15,597.68 điểm.
Ngược với diễn biến ngày thứ Sáu, có tới 9/11 nhóm ngành S&P 500 đỏ lửa. Cổ phiếu Công nghệ và Y tế hỗ trợ thị trường nhưng đà tăng cũng khá khiêm tốn. Vật liệu, Bất động sản và Tiện ích là 3 nhóm giảm mạnh nhất, đều mất hơn 2%.
Tỷ giá
Chỉ số đồng đô la Mỹ DXY mở rộng xu hướng tăng, giao dịch ở mức 104,5 vào thứ Hai, cao nhất kể từ giữa tháng 11, sau loạt dữ liệu cho thấy lãi suất sẽ không được hạ xuống sớm như dự đoán. PMI Dịch vụ ISM vượt xa kỳ vọng của thị trường cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ.
Trước khi ISM phát hành, đồng bạc xanh được hỗ trợ từ việc Chủ tịch Fed Powell nhắc lại trong cuộc phỏng vấn với CBS rằng việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3 là khó xảy ra, phù hợp với những nhận xét được đưa ra vào tuần trước sau quyết định của FOMC.
Tuần trước, báo cáo việc làm chỉ ra một thị trường lao động mạnh mẽ, với việc nền kinh tế Mỹ bổ sung thêm nhiều biên chế hơn dự kiến và tăng trưởng tiền lương đang tăng tốc.
Tỷ lệ đặt cược cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3 đã giảm mạnh xuống còn 16% và tỷ lệ đặt cược vào tháng 5 hiện ở mức 56%. USD tăng mạnh nhất so với đồng bảng Anh, đồng Euro và đồng Úc.
Dầu hồi phục 1% sau đà giảm sâu tuần trước
Sau khi rơi tới 7% trong tuần trước, giá dầu hồi phục phần nào do lo ngại căng thẳng ở Trung Đông và xung đột Nga – Ukraine tiếp diễn có thể hạn chế nguồn cung dầu toàn cầu.
Chốt phiên 05/02, dầu thô Brent tăng 0,66 USD hay 0,9% lên 77,99 USD/thùng. Dầu WTI tăng 0,50 USD hay 0,7% lên 72,78 USD/thùng.
Các thương nhân đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại Trung Đông, nơi các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas dường như khó được thực hiện, cho thấy căng thẳng trong khu vực sản xuất dầu sẽ kéo dài.
Mỹ cũng tiếp tục chiến dịch chống lại Houthis tại Yemen, lực lượng tấn công tàu chở hàng làm gián đoạn tuyến giao dịch dầu toàn cầu, mặc dù nguồn cung hầu như không bị ảnh hưởng.
Tại Nga, hai máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công nhà máy lọc dầu lớn nhất ở miền nam nước Nga trong ngày 3/2.
Đà tăng của Lợi suất và USD khiến NĐT buộc phải bán vàng
Vàng kéo dài xu hướng điều chỉnh của phiên thứ Sáu khi USD và Lợi suất tăng. Loạt dữ liệu kinh tế Mỹ tốt hơn dự báo đang ủng hộ quan điểm giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn của Fed.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/02, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,6% xuống $2027,09/oz, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 25/01 vào đầu phiên.
Hợp đồng vàng tương lai mất 0,5% còn $2042,90/oz.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust duy trì lượng vàng nắm giữ ở mức 851,72 tấn trong phiên 5/2.
Kết luận
Bài phát biểu của Chủ tịch Fed tối hôm Chủ nhật một lần nữa khiến thị trường phải thay đổi đặt cược về việc Ngân hàng trung ương Mỹ sớm hạ lãi suất. Các dữ liệu mới công bố gồm: Tăng trưởng việc làm, tiền lương và hoạt động dịch vụ theo PMI cho thấy sức bền của nền kinh tế Mỹ trước áp lực của lãi suất cao. Theo đó, USD và Lợi suất hưởng lợi nhiều nhất, Vàng – chứng khoán chịu áp lực bán là điều dễ hiểu. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp chỉnh của vàng để tham gia vào thị trường bởi triển vọng Fed hạ lãi suất vẫn hiện hữu và rủi ro địa chính trị đang ngày càng khó đoán ở Trung Đông.
Giavang.net