Các tin tức kinh tế quan trọng công bố hôm 5/1
- Châu Âu: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tăng 0,2% hàng tháng và tăng 2,9% hàng năm.
- Mỹ: Thu nhập trung bình theo giờ tháng 12 tăng 0,4% hàng tháng và tăng 4,1% hàng năm – cao hơn dự báo là 0,3% và tăng 3,9%.
- Mỹ: Bảng lương phi nông nghiệp tư nhân tháng 12 tăng 164 nghìn – cao hơn dự báo là 130 nghìn.
- Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp tháng 12 giữ nguyên ở mức 3,7%.
- Mỹ: Bảng lương phi nông nghiệp tháng 12 ở mức 216 nghìn – vượt xa dự báo là 170 nghìn.
- Mỹ: Đơn hàng nhà máy tháng 11 tăng 2,6% hàng tháng.
- Mỹ: Chỉ số PMI phi sản xuất của ISM đạt 50,6 – tệ hơn nhiều dự báo là 52,6.
- Mỹ: Chỉ số giá phi sản xuất của ISM tháng 12 ở mức 57,4 – cao hơn dự báo là 57,3.
- Canada: Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 5,8%.
Phố Wall hồi phục yếu ớt, xác nhận tuần tệ nhất hơn 3 tháng
Đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu 5/1, chỉ số S&P 500 tiến 0,18% lên 4.697,24 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,09% lên 14.524,07 điểm. Chỉ số Dow Jones cộng 25,77 điểm (tương đương 0,07%) lên 37.466,11 điểm.
Thị trường tăng điểm cầm chừng trong ngày cuối tuần khi các cổ phiếu hồi phục ếu. Ở chiều đi lên, trên S&P 500, nhóm Tài chính cộng 0,53%, Tiện ích tăng 0,39%. Ngược lại, cổ phiếu Tiêu dùng không thiết yếu, Bất động sản và Y tế mang sắc đỏ.
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần giao dịch tiêu cực đầu tiên sau khi tăng điểm 9 tuần liên tiếp. Trong đó, Nasdaq Composite tụt 3,25% – kết quả tồi tệ nhất kể từ tháng 9. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones lần lượt giảm 1,52% và 0,59%.
Tỷ giá
Chỉ số DXY – đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với giỏ 6 đồng tiền chính, hạ nhẹ 0,04% xuống 102,419.
- Cặp EUR/USD hạ nhẹ 0,03% về mốc 1,09409. Tuần này, đồng tiền chung mất 0,88% sau khi tăng 3 tuần liên tục trước Tết Dương lịch.
- Cặp GBP/USD tiếp tục tăng lên 0,27% chạm mốc 1,27158. Theo tuần, đồng bảng giảm 0,06%.
- Cặp USD/JPY đảo chiều giảm 0,19% đóng phiên ở 144,595 – dứt mạch giảm 3 phiên liên tiếp trước đó. Theo tuần, cặp USD/JPY tăng tới 2,56%
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm đóng phiên 5/1 tại 4,050% (+1,22% trong ngày). Theo tuần, lợi suất tăng 4,76% – chấm dứt mạch giảm 5 tuần.
Thị trường năng lượng biến động dữ dội
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 1,42 USD (tương đương 1,83%) lên 79,01 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1,78 USD (tương đương 2,47%) lên 73,97 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng dầu đều ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong năm, gần như đã bù đắp được mức giảm trong ngày 04/01 sau khi dự trữ xăng và nhiên liệu tại Mỹ tăng mạnh.
Giá dầu tăng cao khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu một cuộc càn quét kéo dài một tuần qua Trung Đông trong nỗ lực kiềm chế căng thẳng khu vực do xung đột Israel-Hamas gây ra. Đồng thời, thị trường lao động Mỹ phát đi tín hiệu tích cực, hỗ trợ quan điểm tiêu dùng dầu nhiều hơn trong tương lai.
Vàng hồi phục yếu ớt
Vàng dao động trong giới hạn hẹp do dữ liệu kinh tế hỗn hợp của Mỹ. Giá vàng thỏi đã có tuần giảm đầu tiên trong bốn tuần do đồng đô la mạnh hơn và lợi suất trái phiếu kho bạc cao hơn.
Vàng giao ngay tăng 0,1% lên $2044,21/oz vào lúc 20:15 GMT sau khi tăng khoảng 1% trong phiên. Tuy nhiên, vàng giảm gần 1% trong tuần.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ hầu như không đổi ở mức $2049,80.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust quay trở lại bán ròng 4,61 tấn vàng, khiến lượng nắm giữ giảm còn 869,6 tấn.
Kết luận
Thị trường lao động Mỹ tiếp tục thể hiện sức mạnh vượt trội bất chấp mức lãi suất cao mà Fed áp dụng từ cuối năm 2023 đã khiến nhà đầu tư phải đánh giá lại kì vọng của mình đối với chính sách nới lỏng trong năm 2024. Báo cáo NFP công bố tối qua, sau bảng lương ADP và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ngày thứ Năm, đã dội gáo nước lạnh vào việc thị trường định giá Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 3. Nhìn chung, xu hướng bán tháo chứng khoán và vàng đang có vẻ chậm lại nhưng khó chấm dứt, ít nhất là trong ngắn hạn. Điều cần làm lúc này chính là nhà đầu tư chưa vội bắt đáy và theo sát các dữ liệu kinh tế Mỹ chờ cuộc họp FOMC tháng 1 sắp diễn ra.
Giavang.net