Thông tin này được ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết tại Hội thảo về sự chuyển dịch mô hình kinh doanh ngân hàng, do VnEconomy tổ chức.
Ngân hàng ngày càng “mở” hơn, nhưng rủi ro lừa đảo, giả mạo cũng liên tục tăng, với hơn 91% số vụ lừa đảo từ đầu năm nay có liên quan tới lĩnh vực ngân hàng.
Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo. Trong đó, hơn 91% cảnh báo này liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính.
3 nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Theo thống kê của đơn vị này, từ đầu năm, tổ chức chống lừa đảo trực tuyến đã chặn 3.369 website vi phạm, 972 website lừa đảo, đồng thời bảo vệ 3,6 triệu người dân không truy cập website vi phạm, không bị lừa đảo tiền bạc hoặc thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp.
Để đảm bảo an toàn thông tin mạng, ông Hưng khuyến nghị một số giải pháp như tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thông tin và triển khai đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước; kết nối chia sẻ hợp tác mật thiết với các cơ quan chức năng, cơ quan chính phủ và các bên liên quan khác về an toàn thông tin, tạo thành mạng lưới tin cậy để đối phó với các thách thức…
Những thách thức về đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường internet, theo ông Hưng, xuất hiện khi những ngân hàng ngày càng “mở” hơn.
Ngân hàng “mở” được hiểu là việc ngân hàng chia sẻ thông tin, dịch vụ cho các đơn vị thứ ba, chủ yếu là fintech. Trong mô hình ngân hàng mở, ba chủ thể chính là ngân hàng, bên thứ ba cung cấp dịch vụ và khách hàng sử dụng. Thông qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), nhà băng có thể kết nối, cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các bên thứ ba, không chỉ giới hạn fintech mà còn các doanh nghiệp bán lẻ, cung cấp dịch vụ.
Sự hình thành của ngân hàng mở, theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả bằng cách hợp lý hóa và tự động hóa các quy trình, cải thiện khả năng sẵn sàng, nâng cao trải nghiệm.
Tuy nhiên, theo ông, Open Banking hay Open API là một lĩnh vực mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Các thách thức khi triển khai Open API không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là thay đổi nhận thức và thay đổi khung pháp lý.
“Việc triển khai thành công khung pháp lý cho Open API sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng Fintech cung cấp các dịch vụ sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Về giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo có xu hướng “nở rộ” vào dịp cuối năm, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết: Sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dân. Cụ thể, xây dựng và phát hành các bộ Cẩm nang về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến, Cẩm nang An toàn trực tuyến giúp bảo vệ mọi đối tượng người dân trên không gian mạng; thực hiện các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống lừa đảo trực tuyến cho người dân; triển khai xây dựng chuỗi series Điểm tin tuần với các thông tin về tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật để đưa ra cảnh báo cũng như các khuyến cáo kịp thời giúp người dân tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; phát triển kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn) trên các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin, tuyên truyền về các vấn đề an toàn thông tin, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin cũng sẽ tăng cường các biện pháp kỹ thuật như tăng cường giám sát, theo dõi, cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại; thúc đẩy phát triển Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo lực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời; cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng. Tiếp tục triển khai hệ sinh thái Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn) để đánh giá, xác nhận website đảm bảo an toàn thông tin mạng. Tại đây, cũng công bố danh sách các website không an toàn, vi phạm pháp luật và các tài khoản ngân hàng có liên quan đến các cuộc lừa đảo trực tuyến.
Đặc biệt, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên theo dõi, rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và cảnh báo, hỗ trợ xử lý kịp thời các nhóm tội phạm công nghệ cao; không để xảy ra sự cố thiệt hại nghiêm trọng do lộ lọt thông tin. Đồng thời, tổ chức chỉ đạo, điều phối các nhà mạng chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đặc biệt vào dịp cuối năm.
Giavang.net