Tóm tắt
- Biến động nhẹ sau nhịp giảm đầu giờ sáng, vàng miếng neo quanh ngưỡng 70,2 triệu đồng/lượng.
- Vàng thế giới biến động gần mốc 1.880 USD, giá sau quy đổi đạt mức 56,36 triệu đồng/lượng.
- Chênh lệch giữa hai thị trường tiếp tục bị chi phối bởi diễn biến của tỷ giá.
- Các nhà giao dịch nhận thấy xác suất Fed nâng lãi suất vào tháng 12 là 38%, cao hơn so mức 28% trước đó.
Nội dung
Cập nhật lúc 14h, ngày 13/10, SJC tại Hà Nội niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 69,45 – 70,17 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng giá mua và bán so với mở cửa sáng nay.
BTMC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 69,46 – 70,15 triệu đồng/lượng, tăng 40.000 đồng/lượng chiều mua, đi ngang chiều bán so với giá mở cửa.
DOJI Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 69,35 – 70,20 triệu đồng/lượng, mua vào – bán ra không thay đổi so với thời điểm mở cửa.
VietnamGold, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 69,60 – 70,20 triệu đồng/lượng, đi ngang cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa cùng ngày.
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch tại ngưỡng 1.877 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (24.630 VND/USD) vàng thế giới đứng tại 56,36 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn vàng miếng 13,8 triệu đồng.
Phiên chiều qua, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 56,29 triệu đồng/lượng (tỷ giá ở mức 24.550 VND/USD), thấp hơn vàng miếng 14 triệu đồng. Dù có nhịp điều chỉnh khá tương xứng nhưng do tỷ giá VND/USD tăng mạnh, nên giá vàng thế giới sau quy đổi thu hẹp khoảng cách với giá vàng miếng SJC.
Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố mới đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 đã tăng 0,4% so với tháng trước và 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai chỉ số đều cao hơn ước tính của các chuyên gia kinh tế đã khảo sát là 0,3% và 3,6%.
Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi tăng 0,3% so với tháng 8 và 4,1% so với một năm trước, tương ứng với kỳ vọng của các nhà kinh tế. CPI tăng đồng nghĩa với việc tiền lương thực tế của người lao động đang đi xuống.
Ở một báo cáo khác, Bộ Lao động Mỹ cho biết thu nhập trung bình theo giờ thực tế đã giảm 0,2% so với tháng trước vào tháng 9. So với cùng kỳ năm trước, tiền lương thực tế của người Mỹ tăng 0,5%.
Lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ và chỉ số đồng USD đã tăng sau khi dữ liệu này được công bố. Điều này khiến giá vàng thế giới có xu hướng giảm nhẹ.
Theo giới phân tích, chỉ số CPI vẫn “ấm” lên, tiếp tục là mối đe dọa cho giá vàng vì khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa sớm quay đầu giảm lãi suất. Tuy nhiên, vàng không bị bán tháo vì bối cảnh căng thẳng địa chính trị vẫn tăng cao.
Trước khi báo cáo CPI được công bố, các nhà giao dịch đặt cược khả năng 28% Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12. Sau khi báo cáo được đưa ra, khả năng này tăng lên mức 38% – theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME. Thị trường hiện vẫn tin gần như chắc chắn rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ tới, diễn ra từ ngày 31/10-1/11.
Ông Tim Hayes, Giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu Ned Davis Research, cho biết, xu thế vàng vẫn tăng trong dài hạn vì nhu cầu trú ẩn an toàn tài sản vẫn còn nguyên do biến động địa chính trị hiện nay.
Fed cũng đã đi đến cuối chu kỳ tăng lãi suất, trong khi nền kinh tế Mỹ đang yếu đi sẽ giúp truyền dẫn động lực tăng trưởng cho vàng.
Theo ông Edward Moya, chuyên gia phân tích cấp cao OANDA, đang còn một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, điều này sẽ có lợi cho vàng. Giá vàng được dự báo sẽ tăng lên 1.920 USD/ounce
Giavang.net