Theo Bank of America (BofA), lạm phát tại Mỹ có khả năng sẽ giảm mạnh và giá cả có thể hạ nhiệt đáng kể mà Mỹ không cần phải đối phó với suy thoái.
Các nhà chiến lược gia chỉ ra việc đường cong lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm bị đảo ngược. Đây là một thước đo suy thoái nổi tiếng của thị trường trái phiếu. Chỉ báo này từng dự đoán đúng các đợt suy thoái gần đây nhất như năm 1990, 2001 và 2008. Khi lợi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn, các nhà đầu tư tin rằng suy thoái sắp đến.
Tuần trước, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã nới rộng thành 1 điểm %, đánh dấu sự đảo ngược sâu nhất trong hơn 40 năm.
Trong quá khứ, việc lợi suất ngắn hạn vượt lên trên lợi suất dài hạn thường báo hiệu rằng nhà đầu tư dự đoán nền kinh tế sắp xuống dốc.
Nhưng BofA cho biết, trong lần này, chỉ báo phản ánh một cú “hạ cánh cứng” đối với lạm phát nhiều hơn. Nền kinh tế Mỹ vẫn có thể tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Trong ghi chú của họ, được tung ra vào hôm thứ Năm: “Mặc dù tỷ lệ đảo ngược của trái phiếu thường chỉ ra xác suất của suy thoái, chúng tôi tin rằng hiện tượng này tiên đoán lạm phát giảm mạnh hơn là tốc độ tăng trưởng kinh tế thuyên giảm”.
Đó là bởi vì lợi suất thực kỳ hạn, đại diện cho kỳ vọng của thị trường về lợi suất trái phiếu được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, cho thấy “mức giảm vừa phải” trong thời gian ngắn, Bank of America cho biết.
Điều này cho thấy giới đầu tư đang mong đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ dần giảm mức lãi suất cho vay – một động thái khó có thể diễn ra nếu nền kinh tế phải đối mặt hiểm họa suy thoái cao.
“Sự đảo ngược đường cong ở mức kỷ lục hiện không phản ánh rủi ro suy thoái gia tăng, mà thay vào đó cho thấy kỳ vọng của giới đầu tư vào cắt giảm lãi suất cho vay cùng với lạm phát đi xuống”, các chiến lược gia nói thêm, đề cập đến mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
Các nhà đầu tư đã duy trì trạng thái cảnh giác trước nguy cơ suy thoái trong hơn một năm qua, kể từ khi Fed bắt đầu tăng mạnh lãi suất để ghìm cương lạm phát.
Lãi suất chính sách của Mỹ đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 2007, nhưng các quan chức Fed vẫn báo hiệu rằng họ sẽ tiếp tục tung ra các đợt tăng lãi suất trong năm nay.
Người tiêu dùng Mỹ đang cảm thấy lạc quan hơn với nền kinh tế
Tâm lý người tiêu dùng được theo dõi bởi Đại học Michigan đã cải thiện trong tháng 6 và tăng 9% so với tháng 5. Nguyên nhân được cho là do lạm phát giảm dần trong những tháng gần đây và người tiêu dùng cảm thấy vui vẻ hơn về tương lai của nền kinh tế.
Joanne Hsu, Giám đốc Khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan cho biết: “Nhìn chung, sự gia tăng ấn tượng này phản ánh sự phục hồi trong thái độ được tạo ra bởi giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng trần nợ vào đầu tháng, cùng với những cảm xúc tích cực hơn đối với lạm phát giảm nhẹ”.
Dữ liệu chỉ số giá Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed được công bố hôm thứ Sáu (30/6) đã tăng 3,8% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, hạ nhiệt so với mức tăng 4,3% của tháng 4. Dữ liệu sửa đổi được công bố mới đây cũng cho thấy nền kinh tế mạnh hơn so với dự báo trước đây trong ba tháng đầu năm và chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ở mức tích cực trong tháng thứ sáu liên tiếp vào tháng 5.
Kỳ vọng của người tiêu dùng về lạm phát vẫn được củng cố vững chắc. Theo Đại học Michigan, kỳ vọng lạm phát trong năm tới tiếp tục hạ nhiệt, giảm xuống 3,3% trong tháng 6 từ mức 4,2% trong tháng 5. Đó là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Sự lạc quan được phản ánh trong cuộc khảo sát có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ tin rằng lạm phát cuối cùng sẽ chậm lại ở mức bền vững, mà Fed xác định là lạm phát 2%.
Nhưng người tiêu dùng phải đối mặt với bối cảnh kinh tế khó khăn trong tương lai khi tài khoản tiết kiệm hao hụt dần, nợ nần nhiều hơn, bắt đầu trả hết các khoản vay sinh viên, các công ty lớn tiếp tục thắt lưng buộc bụng và Fed tăng lãi suất thêm nữa.
Giavang.net