Từ đầu tháng 2 đến nay, lãi suất huy động liên tục giảm mạnh, so với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5-1,7% ở tất cả kỳ hạn.
Trong giai đoạn cao điểm hồi giữa tháng 1, ngoại trừ nhóm Big4, tất cả ngân hàng trong hệ thống đều niêm yết lãi suất cao nhất ở mức trên 9%/năm, thậm chí xấp xỉ 10% tại một số ngân hàng tư nhân nhỏ.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 2 đến nay, lãi suất huy động liên tục giảm mạnh, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. So với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5-1,7% ở tất cả kỳ hạn.
Hiện tại, ở các kỳ hạn trên 12 tháng, ABBank áp dụng mức lãi suất 9,0-9,2%/năm cho khách hàng gửi theo hình thức online. Khách hàng OCB được hưởng lãi suất 9,1%/năm khi gửi online kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. HDBank áp dụng lãi suất 9%/năm cho duy nhất kỳ hạn 13 tháng, hình thức tiết kiệm trực tuyến. Các ngân hàng khác đều đã giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn trên 12 tháng xuống dưới 9%/năm.
Tại kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất cao nhất đang được các ngân hàng niêm yết là 8,8%/năm, được áp dụng tại ABBank và OCB. Mức lãi suất trên 8,5% còn có sự góp mặt của Việt Á Bank với 8,7%, Bắc Á Bank với 8,6%, VietBank với 8,6%, và HDBank 8,6%.
Tại kỳ hạn 6 tháng, HDBank đang niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống là 8,6%/năm, dành cho các khoản tiền gửi trực tuyến. Đứng sau HDBank, có 4 ngân hàng khác đang niêm yết mức lãi suất 8,5% cho kỳ hạn này là Nam A Bank, ABBank, OCB và VietABank.
Còn ở kỳ hạn dưới 6 tháng, phần lớn ngân hàng niêm yết mức lãi suất trần cho phép là 5,5%/năm.
Tuy đã giảm mạnh so với giai đoạn cao điểm, nhưng mặt bằng lãi suất huy động vẫn cao hơn so với giai đoạn dịch bệnh. Điều này khuyến khích người dân chuyển hướng sang gửi tiết kiệm khi các kênh đầu tư khác có hiệu quả sinh lời không cao và nhiều rủi ro.
Số liệu từ NHNN cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 314.000 tỷ đồng (+5,36%) và đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương. Đến cuối tháng 2, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã lên gần 6,18 triệu tỷ đồng. Trong khi tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng đã giảm tới hơn 338.000 tỷ đồng (-5,68%) trong 2 tháng đầu năm, xuống còn 5,61 triệu tỷ.
Dự báo lãi suất
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định mặt bằng lãi suất đang giảm nhưng còn cao.
TS Cấn Văn Lực cho rằng hiện nay là thời điểm thích hợp để NHNN tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng. Tuy nhiên, trạng thái “tiền rẻ” ngập tràn sẽ không còn như trước, bởi bức tranh về nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi sau giai đoạn chống Covid-19
Dự báo về lãi suất, TS Cấn Văn Lực cho rằng từ giờ đến cuối năm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất nữa sau 10 lần tăng lãi suất nhanh lên mức kỷ lục kể từ năm 2007. Còn Ngân hàng Trung ương châu Âu cùng lắm chỉ có 1 lần tăng lãi suất nữa, như vậy lãi suất sẽ đi ngang đến cuối năm 2023. “Nếu tình hình kinh tế của Mỹ, của thế giới xấu đi thì khả năng họ bắt đầu đảo chiều lãi suất vào đầu năm tới. Đó là tín hiệu tích cực đối với kinh tế Việt Nam”, ông Lực nhận định.
Còn các ngân hàng trung ương ở châu Á khả năng có thể có 1 lần tăng lãi suất nữa rồi cũng sẽ đi ngang. “Việt Nam đã đi trước một bước khi đã giảm lãi suất điều hành về mức 5,5% trong tháng 3 vừa qua và thị trường hy vọng NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành về mức 4% đến trong năm 2025. Đây là mức tương đối thấp so với trước đại dịch Covid-19”, ông Lực kỳ vọng.
Giavang.net