Giá vàng và dầu cùng tăng mạnh sau khi Nga đổ quân vào Ukraine. Nhưng giá vàng đã nhanh chóng lao dốc, trong khi tình trạng mất cân bằng cung – cầu giữ giá dầu ở mức cao.
Theo tính toán của Zing dựa trên dữ liệu của Trading Economics, tính đến ngày 2/8, dù đã sụt giảm phần nào, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu vẫn tăng 39% so với một năm trước đó. Kể từ đầu năm nay, giá dầu tăng gần 18%.
Trong năm nay, dầu thô Brent có lúc tăng giá gần 45%.
Giá vàng cũng hưởng lợi nhờ xung đột Nga – Ukraine, tuy nhiên, giá nhanh chóng sụt giảm vì USD tăng giá. Đến nay, vàng được giao dịch quanh mức 1.773 USD/ounce, giảm mạnh so với mức hơn 2.000 USD/ounce hồi tháng 3.
Chứng khoán lao dốc
Trong khi đó, chỉ số MSCI ACWI – thước đo thị trường chứng khoán của 47 quốc gia – sụt giảm khoảng 15%. Trong nửa đầu năm, chỉ số S&P 500 đã lao dốc gần 20%. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và chỉ số Nasdaq – thiên về công nghệ – cũng sụt giảm lần lượt 14% và 30% cùng kỳ.
Trong khi đó, chỉ số USD – đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác – đã tăng khoảng 10% kể từ đầu năm. Đà tăng của đồng USD cũng tạo sức ép lên các thị trường chứng khoán.
“Đó là một năm tồi tệ của Phố Wall khi lạm phát tăng nóng buộc nhiều ngân hàng trung ương phải quyết liệt hơn trong việc thắt chặt các chính sách tiền tệ”, ông Edward Moya – nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ – giải thích với Zing.
Các nhà đầu tư dường như đã quá vội vàng ăn mừng sau khi FED nâng lãi suất hôm 27/7. Họ phớt lờ sự thật rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay hơn nữa nếu lạm phát vẫn ở mức cao
Chuyên gia tài chính Craig Erlam
“Việc ngân hàng trung ương Mỹ mạnh tay nâng lãi suất có thể đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái”, ông nhận xét.
Việc nâng lãi suất sẽ làm gia tăng chi phí rủi ro của các tài sản rủi ro như cổ phiếu, khiến những tài sản này mất đi sức hút. Thêm vào đó, nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái cũng tác động xấu tới thị trường.
Hôm 27/7, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của FED – đã tăng lãi suất cho vay cơ bản lên mức 2,25-2,5%. Đây là lần tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm thứ 2 liên tiếp và lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm nay.
“Thông điệp mà FED gửi đi rất rõ ràng. Cơ quan này sẽ thực hiện thêm nhiều đợt nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Việc ‘hạ cánh an toàn’ rất khó xảy ra”, ông Craig Erlam – chuyên gia tài chính có trụ sở ở London – bình luận.
Đến nay, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã phục hồi phần nào. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo thị trường vẫn sẽ chịu tác động tiêu cực bởi những động thái tiếp theo của FED.
“Các nhà đầu tư dường như đã quá vội vàng ăn mừng sau khi FED nâng lãi suất hôm 27/7. Họ phớt lờ sự thật rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay hơn nữa nếu lạm phát vẫn ở mức cao“, ông Erlam nhận định.
Giá dầu tăng mạnh
Trong khi đó, giá dầu thô thế giới đã tăng phi mã trong năm nay. Nguyên nhân là nguồn cung dầu toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng vì xung đột Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga. Nhu cầu tăng vọt sau thời kỳ đại dịch cũng khiến khoảng cách cung – cầu trên thị trường năng lượng toàn cầu tăng lên.
Giá dầu cũng được dự báo sẽ vẫn ở mức cao vì nguồn cung không theo kịp cầu. Ngay cả khi giá cả tăng vọt, các công ty năng lượng toàn cầu không thể trở lại công suất trước đại dịch bởi lo ngại rằng những quy định về môi trường có thể làm nhu cầu lao dốc trong tương lai.
Trở lại thời kỳ đại dịch, giá dầu đã lao dốc mạnh bởi các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội trên toàn thế giới. OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh), bao gồm Nga, đồng ý cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá cả. Nhưng ngay cả khi nhu cầu trở lại sớm hơn dự kiến, nhóm này vẫn giữ các mục tiêu sản xuất ở mức thấp.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng năng lượng của nhóm OPEC+ sẽ có cuộc họp vào ngày 3/8 để đưa ra quyết định về việc nâng sản lượng trong tháng 9. Tuy nhiên, nhà phân tích Tamas Varga của PVM Energy cho rằng không nên kỳ vọng vào việc nhóm này sẽ mạnh tay tăng sản lượng.
Theo nguồn tin của Reuters, liên minh do Arab Saudi và Nga đứng đầu sẽ thảo luận về mức tăng khiêm tốn trong cuộc họp vào giữa tuần này.
Mới đây, Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais khẳng định Nga là “nhà sản xuất năng lượng lớn và có ảnh hưởng cao trên bản đồ năng lượng thế giới”.
Theo Zing