Sự thay đổi về chính sách tiền tệ sẽ diễn ra dần dần. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Nhật nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ kinh tế.
Ngân hàng trung ương nhiều nước đang bắt đầu rút đi các chương trình kích thích khẩn cấp mà họ từng đưa ra nhằm ứng phó với suy thoái kinh tế trong thời kỳ đại dịch Covid-19, theo tin từ Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp giờ đây đã bắt đầu tranh luận về việc khi nào và bằng cách nào để làm chậm lại chương trình mua tài sản, trong khi đó Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hiện đã bắt đầu hạn chế tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Trung ương Brazil, Mexico, Thổ Nhĩ Kỹ và Cộng hòa Séc cũng như Nga đều đã nâng lãi suất, nhiều nước khác thậm chí còn công khai họ sẽ rút đi chương trình hỗ trợ kinh tế.
Sự thay đổi về chính sách tiền tệ sẽ diễn ra dần dần. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Nhật nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ kinh tế, trong khi đó, nhiều quan chức tại các khu vực này vẫn tin rằng việc lạm phát tăng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, họ cũng đang cam kết sẽ không làm rối loạn thị trường tài chính toàn cầu. Diễn biến của biến chủng delta có thể sẽ ảnh hưởng đến diễn biến chính sách của nhiều ngân hàng trung ương.
Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng sẽ vẫn tiếp tục phình to tuy nhiên ở tốc độ chậm hơn, chi phí lãi vay vẫn ở sát mức thấp kỷ lục.
Dưới đây là dự báo của các chuyên gia kinh tế về diễn biến chính sách của ngân hàng trung ương nhiều nước lớn trên thế giới mà Bloomberg thực hiện khảo sát:
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed)
Lãi suất liên bang hiện tại: 0,25%
Bloomberg dự báo cho thời điểm cuối năm 2021: 0,25%
Bloomberg dự báo cho cuối năm 2022: 0,25%
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bắt đầu nói đến việc sẽ thu hẹp chương trình mua trái phiếu quy mô lớn hàng tháng của Fed và có thể sử dụng buổi họp chính sách vào ngày 26-28/8/2021 để nói cụ thể hơn về quyết định này.
Dù rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ dự kiến không nâng lãi suất trước năm 2023, 7/18 quan chức thuộc Fed đã dự báo nâng lãi suất khỏi mức sát 0% từ năm sau.
Ngân hàng Trung ương châu Âu
Lãi suất tiền gửi hiện tại: -0,5%
Bloomberg dự báo cho thời điểm cuối năm 2021: -0,5%
Bloomberg dự báo cho cuối năm 2022: -0,5%
ECB đã cam kết về điều kiện cấp vốn cho các chính phủ, doanh nghiệp và các hộ gia đình thuận lợi cho đến khi cuộc khủng hoảng corona virus mới đây qua đi. Hiện tại, ECB vẫn đang mua trái phiếu trong chương trình quy mô 1,85 nghìn tỷ euro tức 2,2 nghìn tỷ USD (PEPP).
Chương trình PEPP dự kiến sẽ được duy trì ít nhất cho đến cuối tháng 3/2022. Tuy nhiên khi mà lạm phát được dự báo ở dưới ngưỡng 2% trong vòng ít nhất 2 năm và có chiến lược xem xét lại, nhiều khả năng nội bộ ECB sẽ sớm bàn đến việc thu hẹp nó.
Ngân hàng Trung ương Nhật
Lãi suất chính sách hiện tại: -0,1%
Bloomberg dự báo cho thời điểm cuối năm 2021: -0,1%
Bloomberg dự báo cho cuối năm 2022: -0,1%
BOJ nhiều khả năng sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình phục hồi của kinh tế khi mà Nhật tổ chức Olympic trong mùa hè năm nay và quá trình tiêm vắc xin Covid-19 đang được đẩy nhanh hơn.
Theo công bố mới nhất, Ngân hàng Trung ương Nhật đã kéo dài chương trình hỗ trợ thời kỳ đại dịch thêm 6 tháng nữa và tuyên bố sẽ không từ bỏ chương trình cho đến khi lạm phát đạt mức mục tiêu 2% trước năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất và chương trình mua tài sản sẽ được duy trì trong tương lai gần.
Ngân hàng Trung ương Anh
Lãi suất của ngân hàng trung ương: 0,1%
Bloomberg dự báo cho thời điểm cuối năm 2021: 0,1%
Bloomberg dự báo cho cuối năm 2022: 0,25%
Lạm phát tại Anh đang tăng vọt, tuy nhiên BOE đang phản bác những quan điểm rằng BOE sẽ sớm thu hẹp các chương trình kích cầu. Vào tháng 6/2021, các nhà hoạch định chính sách đã cảnh báo về khả năng thắt chặt chính sách quá sớm có thể ngăn cản quá trình phục hồi kinh tế, BOE nhấn mạnh rằng việc giá cả tăng vượt mức mục tiêu 2% lần đầu tiên trong 3 năm sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Ở hiện tại, các quan chức kinh tế Anh trong đó có thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh đang tập trung vào đảm bảo quá trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ cho người thất nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định phong tỏa.
Theo Nhịp sống doanh nghiệp