Trong tuần 14-19/6, giá vàng thế giới trải qua một giai đoạn kinh hoàng với lực bán mạnh nhất trong vòng hơn 1 năm qua. Chỉ vỏn vẹn 24 giờ sau khi Fed phát đi tín hiệu diều hâu về lãi suất, giá vàng đã rơi tự do 100USD và theo đó xác nhận tuần tồi tệ nhất từ ngày 23/3/2020- thời điểm các thị trường toàn cầu rơi vào khủng hoảng vì Covid-19.
Và, không có gì đáng để ngạc nhiên, như mọi khi, giá vàng SJC trong nước lại giảm với biên độ ‘chẳng thấm vào đâu’ so với thị trường quốc tế.
Thị trường vàng thế giới: Thủng hàng loạt hỗ trợ mạnh, lực bắt đáy không thắng nổi xu hướng bán tháo quá lớn
Thị trường vàng tuần này là câu chuyện của cuộc họp tháng 6 của Ngân hàng trung ương Mỹ.
Tuần trước, nhiều nhà đầu tư vàng khá hào hứng vào tuần trước khi giá vàng vượt 1900$ nhờ việc tái cam kết áp dụng chính sách siêu lỏng lẻo của Ngân hàng trung ương châu Âu. Và thị trường đa phần nhận định Cục dự trữ Liên bang sẽ cũng có hành động tương tự, mặc dù nền kinh tế có sự phát triển khá tốt trong thời gian qua.
Tuy nhiên, vàng và chứng khoán đã ‘ngã quỵ’ trước quan điểm diều hâu của Fed sau cuộc họp kết thúc hôm 16/6. Qua biểu đồ dấu chấm, các quan chức Fed bày tỏ quan điểm ủng hộ 2 lần nâng lãi suất sớm trong năm 2023 dù hồi tháng 3 các thành viên của FOMC cho là lãi suất sẽ giữ nguyên cho tới năm 2024. Thêm vào đó, Fed cũng dành nhiều nhận định tích cực về nền kinh tế.
- 13/18 quan chức của FOMC dự báo lãi suất sẽ tăng trong 2023, chỉ có 5 vị cho rằng lãi suất sẽ giữ nguyên cho tới hết năm 2023. 11 vị cho rằng lãi suất sẽ tăng hai lần trong 2023, mỗi lần tăng 0,25%.
- Thậm chí, có 7 quan chức FOMC dự báo lãi suất tăng trong năm 2022 – cho thấy khả năng Fed có thể hành động sớm hơn nữa.
- Dù giữ nguyên lãi suất cơ bản, Fed cũng đã điều chỉnh dự báo về tỷ lệ lạm phát và triển vọng của nền kinh tế Mỹ. Theo đó, Fed dự báo tỷ lệ lạm phát trong năm nay tăng từ 2,4% hồi tháng lên 3,4%, song sẽ giảm xuống còn 2,1% vào năm 2022. Fed cũng đồng thời nâng triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ lên từ 6,5% lên 7%. Tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi ở mức 4,5%.
Cả tuần qua, giá vàng đã giảm hơn 5% và xác nhận là tuần ‘tồi tệ’ nhất của thị trường kể từ ngày 13/3/2020 – thời điểm thị trường tài chính sụp đổ do đại dịch Covid-19 lan rộng. Thị trường còn xuất hiện lệnh bán kĩ thuật khi giá thủng vùng hỗ trợ tâm lí 1800$.
Quan điểm có phần khá bất ngờ của Fed đã kích hoạt đà tăng thần tốc của đồng USD. Chỉ số USD nhanh chóng đảo ngược xu hướng từ giảm sang tăng khi vượt trên trung bình động 200 ngày và xác nhận tuần tăng tốt nhất từ tháng 9/2020. Chỉ số DXY có lúc chạm ngưỡng 92,3 điểm – xác nhận tuần tăng gần 2%.
Cùng với USD, lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ cũng biến động đáng kể sau quan điểm của Fed.
Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư và phân tích cho rằng đà bán tháo của vàng là quá mức và thị trường đã chiết khẩu đủ để mua vào, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust đã mua vào 11,07 trong phiên cuối tuần. Hiện lượng vàng nắm giữ của quỹ đã chạm ngưỡng 1053,06 tấn.
Thị trường vàng trong nước: ‘Câu chuyện cũ’ về việc điều chỉnh
Thị trường vàng trong nước tuần này đi theo chiều hướng giảm của thị trường thế giới. Tuy nhiên, vàng trong nước lại có vẻ khá bình thản trước những diễn biến ‘đổ máu’ của vàng ngoại.
Cụ thể, xét với thương hiệu vàng Bảo Tín Minh Châu, giá vàng mở phiên 14/6 tại mức 56,76 – 57,23 triệu đồng mỗi lượng lượng (mua vào- bán ra) tới 10h30 phiên 19/6, giá vàng ở mức 56,20 – 56,73 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Như vậy, trong tuần này, vàng BTMC giảm 560 nghìn mỗi lượng chiều mua và hạ 500 nghìn đồng mỗi lượng chiều bán. Theo đó, giá vàng SJC chỉ giảm chưa tới 1% giá trị.
Xét với thương hiệu vàng Doji Hà Nội, giá vàng mở phiên 14/6 tại mức 56,65– 57,15 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra) và tới 10h30 phiên 19/6 giá vàng ở mức 56,15 – 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Như vậy, trong tuần này, vàng DOJI giảm 500 nghìn mỗi lượng chiều mua và chỉ hạ 400 nghìn mỗi lượng chiều bán so với tuần trước.
Giá vàng SJC của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng có diễn biến tương tự.
Thị trường vàng trong nước phản ứng ‘hời hợt’ với giá vàng thế giới không còn là chuyện bất ngờ với nhà đầu tư. Bởi lẽ, thị trường vàng từ năm ngoái đã liên tục xác nhận câu chuyện vàng SJC vênh cao với thế giới, có lúc lên tới 9 triệu đồng/lượng. Hiện tại, độ vênh giữa hai thị trường là khoảng 7 triệu đồng mỗi lượng.
Xét về tình hình giao dịch, do giá vàng không nhiều biến động đủ để thu hút nhà đầu tư bắt đấy nên thị trường trong nước không mấy sôi động. Bên cạnh đó, do vấn đề dịch bệnh, các nhà đầu tư cũng hạn chế sử dụng cách thức đầu tư truyền thống mà chuyển hướng sang đầu tư như chứng khoán. Với mức đỉnh kỉ lục của Vnindex, rất có thể dòng tiền chảy vào vàng thời gian tới sẽ tiếp tục yếu đi.
Bài viết có sử dụng dữ liệu hình ảnh từ Investing, DOJI, Tygia…
Giavang.net tổng hợp