Mở cửa phiên giao dịch thứ Tư 2/6 tại thị trường châu Âu, USD hồi phục khá tốt sau khi chạm mức thấp nhiều tháng so với các đồng tiền chủ chốt…
USD hưởng lợi từ số liệu PMI sản xuất tháng 5 tăng lên 61,2 điểm, tốt hơn dự báo là 60,9 và số liệu tháng 4 là 60,7.
Đồng tiền Úc bất ngờ giảm dù số liệu tăng trưởng kinh tế quý I tương đối lạc quan. GDP quý I tại Úc tăng 1,8% so với quý trước và tăng 1,1% so với quý I năm 2020, đều cao hơn dự báo của Investing, cho thấy nền kinh tế đã hồi phục khá tốt dù vẫn phải chống chọi với đại dịch Covid-19.
Các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến của đồng nhân dân tệ sau đợt tăng giá gần đây. Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thắt chặt yêu cầu dự trữ ngoại hối của các ngân hàng đã kiềm chế sự tăng giá của đồng nhân dân tệ.
Chỉ số USD và diễn biến các cặp tỷ giá chính
Cập nhật lúc 17h28 giờ Việt Nam, tức 10h28 giờ GMT, chỉ số đô la Mỹ, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với giỏ các đồng tiền chính, cộng 0,40% lên mức 90,175 điểm.
Đồng bảng Anh giảm nhẹ, cặp GBP/USD lùi 0,08%, về 1,4135.
Lực bán đồng tiền chung khá mạnh, cặp EUR/USD sụt 0,31% giá trị, giao dịch ở 1,2174.
Yên Nhật yếu đi rất nhiều so với USD, cặp USD/JPY cộng 0,33% giá trị, đạt 109,82.
Franc Thụy Sỹ cũng không thoát khỏi xu hướng chung, cặp USD/CHF định tại 0,9018 (+0,55%).
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc trong giao dịch nội địa tiếp tục xu hướng điều chỉnh từ mức cao nhất 3 năm, cặp USD/CNY ở mức 6,3859 (+0,10%).
Nhóm tiền tệ ưa thích rủi ro đều giao dịch trong sắc đỏ so với USD, với đô la Úc, tiền tệ New Zealand, đô la Canada yếu đi. Cụ thể, USD/AUD tiến 0,40%, chạm ngưỡng 1,2944. Tỷ giá USD/NZD cộng 0,55%, đạt 1,3852. Ngược lại, cặp USD/CAD ở ngưỡng 1,2081 (+0,09%).
Giavang.net