Áp lực lạm phát trên toàn thế giới nói chung và của Mỹ nói riêng đang có xu hướng gia tăng. Điều này có thể sẽ tiếp tục hậu thuẫn cho đà tăng giá vàng tuần tới.
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã có những diễn biến khá tích cực khi tăng mạnh từ mức 1.765USD/oz lên tới mức 1.843USD/oz, tăng 4,4%, và đóng cửa ở mức 1.830USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng tăng mạnh từ mức 55,6 triệu đồng/lượng lên mức 56,2 triệu đồng/lượng, tăng 1%. Giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn nhiều so với giá vàng quốc tế quy đổi, và khối lượng giao dịch vàng trong nước chưa khởi sắc.
Sở dĩ giá vàng có bước tăng mạnh trong tuần này do số liệu việc làm của Mỹ thấp hơn nhiều so với dự kiến và kỳ trước. Cụ thể, số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ tháng 4 chỉ đạt 266.000 việc làm, chưa bằng 1/3 mức dự kiến và cũng thấp hơn nhiều so với số liệu của tháng 3 là 770.000 việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng nhẹ lên mức 6,1% từ mức 6% trong tháng 3, trong khi mức dự kiến là 5,8%.
Số liệu việc làm tháng 4 của Mỹ sụt giảm mạnh do các doanh nghiệp Mỹ khó tuyển dụng lao động một phần vì các gói kích thích kinh tế của Mỹ khuyến khích người dân ở nhà hơn là quay trở lại làm việc đối với các vị trí công việc có mức lương thấp, và một phần thiếu nguyên liệu sản xuất do tác động của đại dịch COVID-19. Do khó tuyển dụng lao động nên những doanh nghiệp có điều kiện tốt đã tăng tiền lương để thu hút lao động, dẫn tới tốc độ tăng tiền lương hàng giờ trong tháng 4 đạt mức 0,7% so với mức -0,1% tháng 3. Trong khi đó, các doannh nghiệp nhỏ vẫn gặp khó khăn trong tìm kiếm lao động vì không có điều kiện tăng lương.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với thị trường lao động vẫn còn gặp khó khăn, thì kinh tế Mỹ sẽ còn cần thêm nhiều thời gian hơn nữa để phục hồi vững chắc. Do đó, FED có thể sẽ chưa vội tăng lãi suất theo đề nghị của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Biden sẽ phải tiếp tục vận động lưỡng viện Quốc hội Mỹ sớm thông qua gói chi tiêu cho giáo dục, chăm sóc và nghỉ phép có lương trị giá 1.800 tỷ USD và gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này. Điều này sẽ góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát, qua đó hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Trong tuần tới, Mỹ sẽ công bố 2 chỉ số lạm phát tháng 4, đó là chỉ số giá tiêu dùng CPI và chỉ số giá sản xuất (PPI). Trong đó, CPI dự báo sẽ tăng khoảng gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái do giá hàng hóa, nguyên vật liệu; cước vận chuyển; tiền lương có xu hướng tăng mạnh (CPI tháng 3 tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái).
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cho rằng giá vàng vẫn đang được hỗ trợ mạnh bởi áp lực lạm phát toàn cầu nói chung và lạm phát của Mỹ nói riêng đang có xu hướng gia tăng. “Nếu CPI và PPI của Mỹ trong tháng 4 được công bố tuần tới tăng mạnh hơn nhiều so với dự kiến và kỳ trước, thì có thể sẽ đẩy giá vàng lên sát, thậm chí vượt mức 1.900USD/oz. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần thận trọng áp lực chốt lời vì nhu cầu đầu tư vẫn chưa thực sự ủng hộ cho đà tăng của giá vàng trong ngắn hạn”, ông Colin nhấn mạnh và cho biết thêm, nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ giảm mạnh do tác động của COVID-19 cũng đang là yếu tố cản trở đà tăng mạnh của giá vàng trong ngắn hạn.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn đang có xu hướng tăng theo mô hình 2 đáy (1.677USD/oz). Theo đó, mức kháng cự tiếp theo của giá vàng tuần tới sẽ là 1.853USD/oz (MA200). Vượt qua mức này, giá vàng sẽ tiếp tục thách thức với mức kháng cự mạnh 1.875USD/oz, kế tiếp là vùng 1.900USD/oz. Trong khi đó, mức hỗ trợ đầu tiên đang ở 1.797USD/oz, kế tiếp là 1.755- 1.782USD/oz.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp