Giá vàng tuần này trụ vững trên mức 1.700USD/oz và có xu hướng tăng nhẹ. Vậy giá vàng tuần tới có duy trì được đà tăng này?
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã gần như chỉ đi ngang từ mức 1.720- 1.745USD/oz và đóng cửa ở mức 1.732USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng tích lũy theo xu hướng giá vàng quốc tế khi chỉ dao động trong biên độ 55,2 – 55,65 triệu đồng/lượng. Nhìn chung, giao dịch vàng vẫn rất trầm lắng do các nhà đầu tư đang thận trọng với xu hướng giá vàng ngắn hạn, đặc biệt là giá vàng trong nước đang cao hơn quá nhiều so với giá vàng quốc tế quy đổi.
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm trong tuần này vẫn tiếp tục tăng mạnh, có thời điểm lên tới mức 1,68% khi mà thời hạn các ngân hàng không cần trích lập tỷ lệ dự trữ bổ sung (SLR) đối với trái phiếu chính phủ ở ngân hàng trung ương sẽ hết hạn vào cuối tháng 3/2021. Lợi suất trái phiếu Mỹ được dự báo sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong tuần tới vì nhiều ngân hàng sẽ phải bán tháo trái phiếu để duy trì tỷ lệ SLR theo đúng quy định hiện hành.
Dù lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh trong tuần này, nhưng gần như không tác động tiêu cực đến giá vàng như trong thời gian qua. Trái lại, giá vàng vẫn khá vững vàng, thậm chí có xu hướng tăng nhẹ. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư bắt đầu tỏ ra lo ngại về áp lực lạm phát khi kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng đã có tín hiệu phục hồi. Đặc biệt, chính quyền Biden lại đề xuất gói kích thích kinh tế mới trị giá 3.000 tỷ USD đối với lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng sau khi tung ra gói kích thích tài khóa trị giá 1.900 tỷ USD. Nếu gói kích thích mới được thông qua, thì tổng các gói kích thích kinh tế của Mỹ tương đương khoảng gần 40% GDP của nước Mỹ. Điều này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách, nợ công và áp lực lạm phát trong tương lai.
Lịch sử giá vàng cũng cho thấy giá vàng chỉ chịu tác động tiêu cực nhất thời từ đà tăng của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, sau đó sẽ tăng cùng chiều với lợi suất trái phiếu Mỹ. Điều này được thể hiện rất rõ trong giai đoạn từ năm 2003- 2007.
Giá vàng đang không chỉ được hỗ trợ bởi lo ngại áp lực lạm phát gia tăng, mà còn bởi nhu cầu vàng vật chất gia tăng khi kinh tế thế giới phục hồi trở lại. Đây là yếu tố quan trọng giúp giá vàng có bước phục hồi mạnh mẽ trở lại trong chuỗi ngày sụt giảm.
Ngoài ra, những căng thẳng Mỹ- Trung Quốc, EU- Trung Quốc; Triều Tiên thử tên lửa… cũng làm tăng thêm vai trò trú ẩn của vàng đối với các nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, đà tăng giá vàng trong ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng vì các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng theo dõi hiệu quả của việc triển khai tiêm vaccine COVID-19, diễn biến dịch bệnh, cũng như đà phục hồi kinh tế thế giới.
Ông Bart Melek, Giám đốc chiến lược của TD Securities, cho rằng giá vàng ngắn hạn vẫn còn có xu hướng điều chỉnh, tích lũy do USD vẫn có lợi thế hơn so với các đồng tiền chủ chốt khác. Hơn nữa, các gói kích thích kinh tế vẫn đang hướng các nhà đầu tư tới các tài sản rủi ro hơn tài sản an toàn, như vàng… Tuy nhiên, về dài hạn, giá vàng vẫn có xu hướng tăng mạnh vì áp lực lạm phát ngày một lớn, trong khi FED vẫn cam kết duy trì lãi suất thấp như hiện nay tới năm 2023. Giá vàng sẽ phục hồi dần trở lại và vượt ngưỡng 1.900USD/oz vào cuối năm nay.
Giá vàng tuần tới sẽ chịu tác động trực tiếp từ các số liệu việc làm của Mỹ, bao gồm số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP), tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập bình quân hàng giờ, trợ cấp thất nghiệp hàng tuần… Theo dự kiến, các số liệu này vẫn sẽ tiếp tục tích cực do kinh tế Mỹ đang phục hồi. Do đó, giá vàng tuần tới nhiều khả năng sẽ chịu tác động tiêu cực khi các số liệu này được công bố vào cuối tuần tới.
Theo phân tích kỹ thuật, mức kháng cực quan trọng đầu tiên của giá vàng tuần tới sẽ là 1.755USD/oz, kế tiếp là vùng kháng cự mạnh 1.784- 1.823USD/oz. Trong khi đó, mức hỗ trợ đầu tiên ở mức 1.720USD/oz, kế tiếp là 1.650- 1.694 USD/oz.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp