23 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh doanh vàng Tin mới nhất Vàng

Lập sở giao dịch vàng: Đã sẵn sàng chưa?

Theo chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, các điều kiện để thành lập sở giao dịch vàng chưa đầy đủ.

Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có kiến nghị thành lập sở giao dịch vàng.

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, việc thành lập sở giao dịch vàng nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước và quốc tế để đảm bảo không có chênh lệch lớn về giá như hiện nay, cũng như thị trường có tính thanh khoản cao, đẩy lùi hoạt động xuất nhập khẩu vàng lậu đang diễn ra phức tạp.

Đã có bài học 

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, kiến nghị thành lập sở giao dịch vàng là không khả thi. 

Theo ông Hải, sở giao dịch vàng theo đề xuất của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam chỉ khác so với các sàn giao dịch vàng tự do trước đây ở chỗ thống nhất lại thành một sàn vàng, hoạt động theo quy tắc, luật lệ mà Nhà nước ban hành, có thể khác ở tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính, còn về bản chất không có gì thay đổi so với trước.

Nhắc lại thời điểm năm 2008 – 2009 có rất nhiều sàn vàng hoạt động, Phó Chủ tịch VAFI nhấn mạnh, hoạt động của các sàn vàng này không thực sự mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Thay vào đó, nó gây rối loạn cho thị trường tiền tệ, đem lại những bất lợi do nhiều công ty cung cấp dịch vụ sàn vàng đã lôi kéo người tham gia giao dịch với hình thức như đánh bạc, dẫn tới thua lỗ, tan cửa nát nhà. Thậm chí còn kéo theo một số ngân hàng bị thua lỗ trong kinh doanh vàng làm cổ đông mất vốn.

Chính vì thế, Chính phủ đã chỉ thị NHNN chấn chỉnh và không còn cách nào khác là phải đóng cửa các sàn vàng. Thêm vào đó, Chính phủ đang nỗ lực chống vàng hóa, đô la hóa một cách triệt để và đã có những tín hiệu tích cực. 

“Không phải chúng ta thiếu hành lang pháp lý, cơ chế quản lý mà là nó rất rủi ro. Hoạt động kinh doanh sàn vàng không phải là hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế mà là loại hình kinh doanh chênh lệch giá. Trên thế giới cũng đánh giá đây là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro rất cao cho cả nhà đầu tư và cho chính các đơn vị kinh doanh sàn vàng”, ông Nguyễn Hoàng Hải chỉ rõ và cho rằng, bây giờ phải hướng dòng vốn nhàn rỗi vào phát triển sản xuất kinh doanh chứ không phải đầu cơ. Thực tế đã trả lời là rất rất nhiều người thua lỗ, rất hiếm người thành công.

Với quan điểm trên, ông Hải cho rằng chưa nên nghĩ đến chuyện này.

Chưa phải thời điểm thích hợp

Cũng bày tỏ quan điểm về đề xuất thành lập sở giao dịch vàng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, xét ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có đủ các điều kiện để có thể thành lập sở giao dịch vàng, mà trước hết là về mặt hành lang pháp lý.

Ông dẫn ví dụ, hiện nay Nhà nước vẫn quản lý thị trường vàng rất chặt, việc nhập khẩu, kinh doanh vàng chỉ tập trung vào một số đầu mối nhất định và phải theo giấy phép của NHNN. Tương tự, việc quản lý ngoại hối cũng được thực hiện chặt chẽ với những quy định như: ra nước ngoài hay nhập cảnh vào Việt Nam được mang tối đa bao nhiêu ngoại tệ; chỉ được mua bán, trao đổi ở một số điểm được NHNN quy định và đồng ngoại tệ ấy phải có nguồn gốc, xuất xứ…

Việc thành lập sở giao dịch vàng là cần thiết, nhưng theo chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa hội đủ các điều kiện.

“Một trong những điều kiện để thành lập sở giao dịch vàng là phải có cơ chế thông thoáng trong kiểm soát ngoại tệ. Ở đây, lưu ý là không phải để cho việc giao dịch ngoại tệ được tự do, vì như  thế rất nguy hiểm khi không biết dòng tiền ra vào thế nào, tiền đó có phải tài trợ khủng bố hay rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp hay không… Cho nên, vẫn cần Nhà nước quản lý giao dịch ngoại tệ nhưng cần theo một cơ chế thông thoáng. Chỉ khi ấy sở giao dịch vàng mới có thể thành lập được”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Về lâu dài, vị chuyên gia này ủng hộ việc thành lập sàn vàng hay sở giao dịch vàng bởi khi ấy, nó sẽ minh bạch tất cả, từ các giao dịch, niêm yết về lượng bán ra, giá cả, người tham dự phải đăng ký về vốn…

Theo ông Thịnh, điều mong muốn khi thành lập sở giao dịch vàng là người dân không cần tích trữ vàng nữa, lúc cần thì mua, lúc không cần thì bán. Như vậy, vàng trở thành một loại hàng hóa bình thường, không phải bị “vàng hóa” như trước đây – trở thành thứ để đo đếm giá trị các tài sản lớn như nhà cửa, xe cộ…

Việc thành lập sở giao dịch vàng là để thực hiện giao dịch mua bán của các doanh nghiệp, đầu mối lớn, người có nhu cầu lớn trong nền kinh tế, từ đó đưa việc sản xuất, kinh doanh, mua bán vàng vào nề nếp, quy củ, giúp giá vàng trong nước liên thông với thị trường thế giới, việc mua bán vàng giữa thế giới với Việt Nam cũng được tự do.

“Còn như hiện nay, mua bán vàng của Việt Nam nhiều khi là mua bán chui, ngay cả việc mua bán ở các hàng vàng được Nhà nước cho phép cũng phải có giấy phép và đủ các thủ tục khác phức tạp, nếu là mua bán lớn thì càng không ổn.

Nếu có sở giao dịch vàng, vàng được chào bán theo giá thế giới, việc kinh doanh rõ ràng, công khai, có đấu giá trên thị trường, nhờ đó giá vàng trong nước không còn chênh lệch lớn với thế giới như hiện nay”, ông Thịnh nêu rõ.

Dù vậy, trở lại với nhận định ban đầu, vị chuyên gia nhấn mạnh, để sở giao dịch vàng ra đời và vận hành theo cơ chế thị trường, liên thông với thị trường thế giới thì trước hết cần có cơ sở pháp lý chặt chẽ, như quy định về tiêu chuẩn, chất lượng vàng, hạn mức giao dịch, tỷ lệ ký gửi, quy trình thành toán, cơ chế hoạt động…  

“Đã đi vào cơ chế thị trường thì cần để các thị trường dần dần hình thành và phát triển đầy đủ, kể cả thị trường lao động, thị trường vàng, hàng hóa… trong đó có thị trường hết sức quan trọng là thị trường ngoại tệ.

Ở các nước trên thế giới có đầy đủ sàn giao dịch vàng thật và ảo, nhưng tất cả đều phải có cơ chế, quy định, nguyên tắc, điều kiện đầy đủ, rõ ràng thì mới hoạt động được.

Nếu Việt Nam có được sàn giao dịch vàng, việc mua bán vàng trở nên công khai, minh bạch, theo những điều kiện quy định thì sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế – vừa thu được thuế, vừa đảm bảo được giá vàng theo thị trường, vừa đảm bảo vàng là một hàng hóa bình thường chứ không phải là vật thanh toán. Để đến được bước đó, Việt Nam còn nhiều việc phải làm”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam cho rằng, thị trường vàng hình thành tự phát do biến động trong nước và thế giới, vai trò quản lý. chỉ đạo của Nhà nước không rõ ràng nên cần có sở giao dịch vàng hay sàn vàng.

Sở giao dịch vàng có giấy phép, có cơ chế tổ chức, hoạt động với những quy định rõ ràng sẽ giúp tránh đầu cơ, diễn biến giá vàng trong nước phù hợp với thế giới, nâng cao vai trò của NHNN.

“Trước đây, Việt Nam cũng từng có các sàn vàng, nhưng thực chất các điều kiện để quản lý, đưa nó vào nề nếp thì chưa đầy đủ rõ ràng, kể cả về cơ sở pháp lý, dẫn tới tác dụng của sàn vàng đối với thị trường không đảm bảo, thậm chí phát sinh tiêu cực.

Thời gian tới, khi thành lập sở giao dịch vàng, Việt Nam cần xây dựng quy chế chặt chẽ, sửa chữa những hạn chế của sàn vàng trước đây và đặc biệt là cần tham khảo các thông lệ quốc tế để tránh bị biến tướng, gây rối loạn thị trường”, TS Cao Sĩ Kiêm bày tỏ quan điểm.

Ủng hộ việc Nhà nước cần có lộ trình sớm thành lập sở giao dịch vàng quốc gia, chuyên gia tài chính – PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý, hành lang pháp lý đối với sở giao dịch vàng cần được quy định chặt chẽ, đặc biệt là tỷ lệ ký quỹ trong thời gian đầu phải ở mức cao, thậm chí 90- 100% để tránh tình trạng đầu cơ, làm giá, sau đó giảm dần theo thông lệ quốc tế. 

Bên cạnh đó, cần có quy định về tiêu chuẩn vàng được phép giao dịch, vì thị trường vàng Việt Nam đang tồn tại rất nhiều loại vàng. 

Ngoài ra, sở giao dịch vàng cũng cần có đầy đủ các công cụ phái sinh để giúp doanh nghiệp, các nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng… 

Theo baodatviet

Tin liên quan

Đang tải....