Nhiều chuyên gia cho rằng, Sở Giao dịch vàng sẽ góp phần giảm thiểu kinh doanh vàng vật chất, thu hẹp chênh lệch giá vàng, huy động vàng trong dân…
Nhiều chuyên gia cho rằng, Sở Giao dịch vàng sẽ góp phần giảm thiểu kinh doanh vàng vật chất, thu hẹp chênh lệch giá vàng, huy động vàng trong dân…
Trên thực tế, nhu cầu giao dịch vàng tài khoản (sàn vàng) rất lớn. Bằng chứng là, dù Chính phủ đã cấm loại hình giao dịch này từ năm 2010, nhưng các sàn vàng hoạt động dưới dạng sàn giao dịch forex vẫn “mọc lên như nấm”. Các nhà đầu tư vẫn lao vào sàn forex như “con thiêu thân”, dù rủi ro tiềm ẩn rất lớn, không chỉ về biến động giá do sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, thậm chí lên tới 1: 500, mà cả về việc can thiệp hệ thống của các sàn (thay đổi bất ngờ phí qua đêm, chặn lệnh…), khiến trạng thái đầu tư vàng bị thua lỗ, gây cháy tài khoản…
Sở dĩ các sàn vàng phát sinh tự phát vào năm 2008 đã gây ra nhiều hệ lụy đối với các nhà đầu tư do Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đối với loại hình hoạt động mới này. Hơn nữa, các sàn vàng đó hoạt động theo kiểu “mạnh ai người ấy làm”, chứ không được giao dịch tập trung tại Sở giao dịch vàng như các quốc gia trên thế giới. Do đó, tình trạng thao túng, làm giá vàng, giao dịch không minh bạch… đã diễn ra phổ biến.
Giao dịch vàng tập trung tại sở giao dịch vàng là xu thế tất yếu, hiện phần lớn các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã đều thành lập sở giao dịch vàng. Trong khi đó, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, nên sớm hay muộn sẽ phải thành lập Sở Giao dịch vàng.
PGS.TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia tài chính, cho rằng NHNN cần sớm trình Chính phủ lộ trình thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Với Sở giao dịch vàng, các nhà đầu tư không phải cầm vàng đến hoặc mang vàng về sau mỗi lần giao dịch, mà có thể ký gửi tại các trung tâm lưu ký. Điều này giảm đáng kể rủi ro so với phương thức mua bán vàng truyền thống.
Tuy nhiên, Sở giao dịch vàng cũng tiềm ẩn rủi ro đối với các nhà đầu tư, nhất là về biến động giá, nên cần có hành lang pháp lý phù hợp. Theo đó, cần có quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, chất lượng vàng; hạn mức giao dịch; quy trình thanh toán bù trừ; điều kiện thành viên;…
Đặc biệt trong thời gian đầu Sở giao dịch vàng đi vào hoạt động, cơ quan quản lý cần quy định tỷ lệ ký quỹ cao, thậm chí có thể lên tới 80- 90%, rồi sau đó giảm dần theo thông lệ quốc tế nhằm giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, cũng như giảm thiểu tình trạng đầu cơ, làm giá vàng. Đặc biệt, để tăng tính thanh khoản cho Sở giao dịch vàng, cần kết nối liên thông với thị trường thế giới. Điều này sẽ giúp giảm thiểu chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, góp phần đẩy lùi hoạt động xuất, nhập khẩu lậu vàng đang có xu hướng diễn biến phức tạp.
“Sở giao dịch vàng không chỉ giảm đáng kể giao dịch vàng vật chất, góp phần huy động vàng trong dân, tăng dự trữ vàng quốc gia, giảm thiểu tình trạng vàng hóa nền kinh tế, mà còn loại bỏ những sàn vàng bất hợp pháp đang hoạt động tràn lan như hiện nay”, một chuyên gia tài chính nhấn mạnh và kiến nghị NHNN cần sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để tạo hành lang pháp lý cho Sở giao dịch vàng.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp