Sự biến động của giá vàng những ngày qua khiến kênh đầu tư này đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đặc biệt, việc giá vàng trong nước chênh khá xa so với giá vàng thế giới. Giới chuyên gia lo ngại, sự chênh lệch quá lớn này sẽ dẫn đến nguy cơ vàng lậu chảy vào trong nước và nhiều rủi ro khác…
Giá vàng trong nước bỏ xa giá thế giới
Hiện trên thị trường thế giới, giá vàng đầu ngày xoay quanh mức 1.811 USD/ounce, quy đổi tiền Việt, giá vàng thế giới chỉ trên 50 triệu đồng/ lượng.
Còn trong nước, giá vàng đang bỏ xa giá vàng thế giới khi đứng ở mức trên 54 triệu đồng/lượng. Mặc dù, so với giá vàng lúc ở mức đỉnh trên 60 triệu đồng/lượng hồi tháng 8/2020, mỗi lượng vàng miếng hiện đã bốc hơi hơn 6 triệu đồng/lượng, song với giá hiện hành, giá vàng trong nước vẫn ở mức rất cao so với giá thế giới.
Nhìn lại bức tranh thị trường vàng thời gian qua, có thể thấy rõ, đây là một năm giá vàng biến động mạnh. Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã nhảy vọt, đã có lúc chạm đỉnh 60 triệu đồng/lượng, sau đó lại hạ nhiệt ngay. Và hiện, giá vàng trong nước vẫn khó có thể xuống dưới 54 triệu đồng/ lượng. Giới chuyên gia trong ngành nhận định, giá vàng nếu vẫn tiếp tục neo cao, lại bỏ giá vàng thế giới một khoảng cách rất xa (chênh tới 4 triệu đồng/lượng), sẽ là nguyên nhân khiến cho các đối tượng tìm cách thẩm lậu vàng vào trong nước qua các đường biên giới.
Điều này không phải không có cơ sở, bởi, chỉ mới đây thôi, Công an tỉnh An Giang vừa bắt giữ vụ buôn lậu hơn 50 kg vàng vận chuyển qua biên giới. Làm một phép tính đơn giản, nếu 50 kg vàng nói trên được các đối tượng vận chuyển trót lọt, qua mặt được các cơ quan chức năng, thì món lợi nhuận sẽ lên đến hàng chục tỷ đồng khi mà mức chênh giá vàng trong nước so với giá thế giới lên đến 4 triệu đồng/ lượng.
Như vậy, có thể thấy rõ, để cho tình trạng chênh lệch về giá vàng quá cao giữa thế giới và trong nước, ngay lập tức hệ lụy chúng ta đã nhìn thấy. Số vàng mà cơ quan chức năng vừa bắt được chỉ là một trong số những vụ bị phát giác, không ai biết được, những vụ buôn lậu trót lọt, lượng vàng thẩm lậu vào trong nước sẽ như thế nào, lợi nhuận lớn đến đâu.
Khi cung không đủ cầu…
Nói về thực trạng này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, người dân Việt Nam có tâm lý tích trữ vàng, và chính thói quen này là nguyên nhân của tình trạng nhập lậu vàng gia tăng. Và khi giá vàng trong nước chênh quá lớn so với giá vàng thế giới, các đối tượng sẽ không ngần ngại thẩm lậu vàng vào trong nước khi nhìn thấy món lợi nhuận kếch xù.
Một con số thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, mỗi năm riêng nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức đã lên tới khoảng 20 tấn. Con số này cho thấy nhu cầu mua vàng trang sức, tích trữ vàng của người dân Việt Nam lớn đến mức nào.
Trong khi đó, nghịch lý là, nhu cầu vàng trang sức lớn như vậy, còn nhà quản lý đã cấm nhập khẩu vàng miếng từ lâu. Vậy câu hỏi đặt ra là, nguồn cung vàng nguyên liệu ở đâu ra để đáp ứng nhu cầu tích trữ loại tài sản này của người dân lên tới 20 tấn mỗi năm? Rõ ràng khi mà vàng nguyên liệu không được nhập chính ngạch mà thị trường lại cần thì chỉ còn một cách duy nhất là nhập lậu. Và trong bối cảnh mà giá vàng trong nước cao đến hơn 4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới như hiện nay thì khó có thể tránh được nguy cơ nhập lậu vàng.
Đưa ra giải pháp cho thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ khi giá vàng thế giới liên thông với giá vàng trong nước mới hết được tình trạng nhập lậu vàng, bởi khi không nhìn thấy lợi nhuận, các đối tượng sẽ không việc gì phải mạo hiểm. Chính bởi vậy, nhà quản lý nên xem xét, cân nhắc việc cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chính ngạch theo nhu cầu của thị trường và DN.
Được biết, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cũng đã có kiến nghị đến nhà quản lý về việc sớm sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, có thể xem xét sản xuất thêm một lượng vàng miếng để tăng cung cho thị trường, khi lệch pha cung – cầu giảm thì cũng sẽ tất yếu triệt tiêu được tình trạng nhập lậu.
Theo Daidoanket