Vắc xin của Pfizer và BioNTech đạt hiệu quả phòng Covid-19 tới 95%, có thể có giấy phép sử dụng ở Mỹ và châu Âu vào giữa tháng 12 tới.
Giám đốc điều hành Ugur Sahin của BioNTech thông báo, nếu mọi việc suôn sẻ, vắc xin Covid-19 của họ có thể được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp vào giữa tháng 12.
“Mọi chuyện phụ thuộc vào các yêu cầu mà chúng tôi sẽ nhận được và liệu chúng tôi có đáp ứng được tất cả các điều kiện hay không”, ông Sahin nói.
Trước đó, hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã công bố kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin của họ có tỷ lệ hiệu quả 95%. Đáng chú ý, hiệu quả của vắc xin ở các độ tuổi và sắc tộc khác nhau được phát hiện là nhất quán, một tín hiệu đầy hứa hẹn để phòng chống dịch bệnh đã gây tổn thương nghiêm trọng đối với nhóm người cao tuổi và một số nhóm sắc tộc nhất định.
Tỷ lệ thành công của vắc xin do Pfizer và BioNTech phát triển cao hơn nhiều so với những gì các nhà quản lý có thể chấp nhận. Đây là một thành tích đáng kể trong cuộc chạy đua chấm dứt đại dịch Covid-19.
Pfizer và BioNTech dự kiến sẽ sản xuất khoảng 50 triệu liều vắc xin trong năm nay, đủ để bảo vệ 25 triệu người và sau đó sản xuất lên đến 1,3 tỷ liều vào năm 2021.
WHO cảnh báo vắc xin không phải ‘viên đạn bạc’ chống Covid-19
Ngày 18/11, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Michael Ryan cảnh báo, thế giới sẽ phải tiếp tục đương đầu với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai mà không có vắc xin.
Theo ông Ryan, không nên coi vắc xin phòng Covid-19 là giải pháp “nhiệm màu” cho cuộc chiến hiện tại và các nước đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh dâng cao sẽ vẫn tiếp tục phải vượt qua thử thách lần này mà không có vắc xin.
Đến nay, thế giới vẫn chưa có một loại vắc xin phòng Covid-19 nào chính thức được cấp phép dù một số ứng cử viên vắc xin tiềm năng đã cho những kết quả khả quan trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Ông Ryan dự báo sẽ cần ít nhất khoảng từ 4-6 tháng nữa thế giới mới có thể có được một số lượng vắc xin đáng kể để phân phối điểm nóng dịch bệnh.
Những nhận định trên được WHO đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những tín hiệu lạc quan trong tiến trình nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng Covid-19, được đánh giá là loại “vũ khí” tiềm năng có thể xoay chuyển cục diện cuộc chiến chống đại dịch trên toàn cầu.
Tuy nhiên, để những vắc xin này được đưa vào các chương trình tiêm chủng đại trà thì cần thêm nhiều thời gian nữa. Hiện các quốc gia trên thế giới vẫn áp dụng các biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh lây lan song song với những nỗ lực tự phát triển hoặc đặt mua trước vắc xin tiềm năng.
Cũng liên quan tới vắc xin: Tại nga, 5 trong số 42 nhân viên y tế được tiêm vắc xin Covid-19 tại thành phố Tomsk, Nga, có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Dù vậy, tất cả họ đều cảm thấy khỏe, 3 người không có bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào của bệnh hoặc chỉ trải qua dạng nhẹ, 2 người có tình trạng trung bình.
Alexander Gintsburg, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh Quốc gia Gamaleya, nhà phát triển vắc xin Covid-19 Sputnik V của Nga, cho biết người được tiêm vắc xin vẫn có thể mắc Covid-19 trong khoảng thời gian giữa lần tiêm mũi thứ nhất và mũi thứ hai. Ông cho biết điều này là vì khả năng miễn dịch sẽ phát triển vào ngày thứ 21 sau mũi tiêm đầu tiên.
Tổng hợp