Thêm một vụ sạt lở núi ở xã Trà Mai-H.Nam Trà My, đã vùi lấp 2 người, trong đó có 1 người may mắn thoát nạn, còn 1 người đã bị vùi lấp.
Theo ông Châu Minh Nghĩa chủ tịch xã UBND Trà Mai (H.Nam Trà My), chiều 29.10, hai người dân đi kiểm tra kho thóc dữ trữ của người dân trên núi tại thôn 3 thì không may xảy ra sạt lở núi khiến 2 người bị vùi lấp. Hiện địa phương đang huy động 100% lực lượng của địa phương để tìm kiếm tung tích nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở núi. Trên địa bàn đang xảy ra mưa lớn cùng với hàng loạt điểm sạt lở nên công tác để tiếp cận hiện trường đang vô cùng khó khăn.
Trước đó, vào chiều tối ngày 28/10 đã xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng tại thôn 1 xã Trà Leng và thôn 1 xã Trà Vân, huyện Nam Trà Mi, tỉnh Quảng Nam, trong đó:
– Vụ sạt lở thứ nhất ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My: 45 người bị vùi lấp, 33 người được cứu, 8 thi thể được tìm thấy. Hiện đang tiếp tục tìm kiếm 13 người mất tích.
– Vụ sạt lở thứ 2 ở xã Trà Vân làm 8 người mất tích, hiện đã tìm thấy toàn bộ 8 thi thể.
Trong ngày 29/10:
– Sạt lở ở xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn): 11 người bị vùi lấp, tìm thấy 3 thi thể đầu tiên.
– Sạt lở ở xã Trà Tập (huyện Bắc Trà My): 1 người chết, 1 người may mắn thoát nạn.
– 200 công nhân thủy điện Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn) mắc kẹt, dự kiến điều máy bay tiếp tế. Từ chiều 29 đến sáng 30/10, lực lượng chức năng chỉ có thể tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các công nhân này qua đường sông Đăk Mi. Hiện sức khỏe của 200 công nhân thủy điện này vẫn đảm bảo an toàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra công điện, yêu cầu các lực lượng bằng mọi cách, mọi phương tiện, triển khai mọi phương án, hướng tiếp cận như di chuyển bằng đường mòn, đường rừng, đường bộ, đường thủy, phương tiện bay,… để tiếp cận, tổ chức cứu nạn và cấp cứu những người còn sống sót.
Từ sáng 29/10, hàng trăm bộ đội cùng máy xúc, xe ủi khẩn trương san gạt đất đá, mở đường vào hiện trường vụ sạt lở ở xã Trà Leng để tìm kiếm những người còn mất tích ở đây.
Hỗ trợ tiền cho người dân sửa nhà sập đổ, hư hỏng nặng
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 sáng nay 30-10, Chính phủ đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ và chia sẻ những mất mát, đau thương, hi sinh của đồng bào, chiến sĩ do bão lũ lịch sử gây ra ở miền Trung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tháng 10 là tháng xảy ra bão lũ liên tục, “lũ chồng lũ, bão chồng bão” gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Đến nay, đã có 230 người mất, hi sinh, trong đó có nhiều cán bộ, sĩ quan quân đội và công an trong khi làm nhiệm vụ. Vẫn còn nhiều đồng bào gặp nạn ở biển khơi, bị núi lở vùi lấp ở miền núi xa xôi chưa tìm thấy.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là lực lượng quân đội, công an các địa phương Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế tiếp tục cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm những người mất tích, bị đất đá chôn vùi, ngư dân bị mất liên lạc và nhất trí việc hỗ trợ một khoản tiền cần thiết cho những hộ dân có nhà bị sụp đổ, hư hỏng nặng, “với số lượng không quá 150.000 nhà bị tốc mái các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi thì chúng ta đề xuất mức hỗ trợ như thế nào?”. Bộ Tài chính sớm thống nhất với Bộ NN&PTNT để hỗ trợ cho các địa phương kịp thời.
Nhắc đến việc Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 5 tỉnh, mỗi tỉnh 100 tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài Chính sớm thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các địa phương sớm tiếp nhận các khoản hỗ trợ để khắc phục hậu quả thiên tai.
Thủ tướng giao cho ngành công thương chuẩn bị sẵn sàng vật tư, vật liệu nhằm đảm bảo giá cả ổn định ở các địa phương vừa hứng chịu mưa bão. “Không được đẩy giá tôn, ngói, xi măng ở vùng mưa lũ”, theo lời Thủ tướng.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ để sản xuất của người dân trở lại bình thường là cái gốc để nhân dân có thu nhập sau bão lũ.
Tổng hợp