Các ngân hàng trung ương đột nhiên trở thành bên bán vàng lần đầu tiên kể từ năm 2010 khi một số quốc gia sản xuất vàng tận dụng mức giá gần kỷ lục của vàng để làm giảm bớt tác động của đại dịch Covid-19.
Giá trị bán ròng của các NHTW ở mức 12.1 tấn vàng trong quý 3/2020, trong khi cùng kỳ mua tới 141.9 tấn, theo một báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Đà bán mạnh đến từ Uzbekistan và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Ngân hàng Trung ương Nga cũng ghi nhận quý bán vàng đầu tiên trong 13 năm.
Trong khi dòng vốn vào các quỹ ETF đã thúc đẩy đà tăng của giá vàng trong năm 2020, thì lực mua của các NHTW đã củng cố giá vàng trong nhiều năm qua. Tháng trước, Citigroup dự báo nhu cầu mua vàng của NHTW sẽ hồi phục trong năm 2021.
“Không ngạc nhiên khi trong tình huống hiện tại, các ngân hàng có thể xem xét tới dự trữ vàng của mình”, Louise Street, Chuyên viên phân tích tại WGC, cho hay. “Hầu hết toàn bộ đợt bán vàng ra đến từ các ngân hàng đã mua từ nguồn nội địa và tận dụng mức giá cao của vàng để bán ra khi tình hình tài chính gặp khó”.
Các ngân hàng trung ương tại Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan bán bán 22.3 tấn và 34.9 tấn vàng trong quý 3/2020, WGC cho biết.
Giá vàng thế giới tăng lên kỷ lục trong quý 3/2020, ngay cả khi nhu cầu vàng giảm 19% so với cùng kỳ và ở mức thấp nhất kể từ năm 2009, WGC cho biết. Đà giảm diễn ra khi nhu cầu trang sức tại Ấn Độ giảm đi 50%, trong khi lượng tiêu thụ trang sức tại Trung Quốc cũng giảm.
Đà lao dốc của nhu cầu trang sức được bù đắp phần nào bởi đà tăng 21% về nhu cầu của nhà đầu tư, theo WGC. Vàng thỏi và xu chiếm phần lớn đà tăng đó khi dòng vốn chảy vào các quỹ ETF vàng chậm lại trong các quỹ trước đó.
Tổng nguồn cung vàng giảm 3% so với cùng kỳ khi sản lượng khai khoáng vẫn còn yếu ớt, thậm chí sau khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được gỡ bỏ tại các quốc gia như châu Phi.
Theo Vietstock