Mỹ ghi nhận hơn 200.000 ca tử vong vì Covid-19, trong khi đó Anh thông báo sẽ tái áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm Mỹ (6,8 triệu người nhiễm, hơn 200.000 người chết), Ấn Độ (5,4 triệu ca nhiễm và 86.000 người thiệt mạng) và Brazil (4,5 triệu trường hợp mắc và hơn 136.000 người tử vong).
Đó là những số liệu đáng sợ về hậu quả của một đại dịch trên phạm vi toàn cầu và là một đại dịch gây ra nhiều sự hoang mang. Dù các ca tử vong tại Mỹ đã giảm đáng kể trong các ngày gần đây, nhưng quốc gia này vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19, ít nhất 12 tiểu bang và vùng lãnh thổ đang ghi nhận xu hướng tử vong gia tăng.
Theo Tiến sĩ Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh Y tế thuộc ĐH Johns Hopkins, con số người chết có thể lên tới 300.000 nếu công chúng trở nên mất cảnh giác, “Có rất nhiều đất nước, từ vùng có nền kinh tế yếu hon cho đến nơi có sức cạnh tranh tương đồng, họ có số ca tử vong thấp hơn nhiều,” – ông nhận định
Dịch bệnh được cho là đang ủ bệnh ở khắp nước Mỹ khi mùa cúm sắp tới. Đại dịch nguy hiểm này không còn chỉ tập trung tại một hay hai “tâm chấn”, thay vào đó, bệnh đang âm ỉ lây lan khắp các bang, làm dấy lên lo ngại rằng khi thời tiết chuyển lạnh, số ca nhiễm có thể tăng mạnh hơn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cũng cảnh báo người dân Mỹ đang chuẩn bị đối mặt với “mùa Thu tồi tệ nhất, từ góc độ sức khỏe cộng đồng”, viện dẫn mối lo ngại kịch bản “nguy cơ kép” – đó là sự gia tăng số ca mắc Covid-19 và cúm mùa khiến các bệnh viện quá tải.
Ở châu Âu, lệnh phong tỏa trước kia đã giúp giải tỏa phần nào cơn khủng hoảng y tế vào mùa xuân. Nhưng người dân chưa kịp làm quen với nhịp sống bình thường, thì giờ virus lại bắt đầu bùng phát trở lại trên toàn lục địa.
Trước tình hình diễn biến phức tạp và đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19, ngày 21/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo ông sẽ tái áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Chính phủ Anh cũng nâng mức độ cảnh báo Covid-19 từ cấp độ 3 lên cấp độ 4 sau khi dữ liệu cho thấy số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang tăng nhanh.
Giới chuyên gia cảnh báo Vương quốc Anh đang ở “thời điểm nguy cấp” trong cuộc chiến với dịch bệnh. Trong những tuần tới nếu không hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn đà lây lan nhanh trong làn sóng thứ 2 của đại dịch thì tỷ lệ tử vong do dịch sẽ tăng theo cấp số nhân.
Các chuyên gia cảnh báo khoảng thời gian 6 tháng tới sẽ rất khó khăn vì virus SARS-CoV-2 sẽ hoạt động mạnh hơn trong thời tiết lạnh, trong khi đó các nghiên cứu hiện tại cho thấy mới chỉ có khoảng 8% dân số Anh đã có kháng thể với virus.
Pháp cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đột biến trong những ngày gần đây. Theo báo cáo của giới chức y tế Pháp, nước này có thêm 5.298 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua. Giới chức TP Lyon cũng thông báo siết chặt biện pháp hạn chế do số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 21/9, lãnh đạo vùng, ông Pascal Mailhos, cho biết các sự kiện công cộng sẽ được giới hạn xuống chỉ còn 1.000 người và cấm các hoạt động tập trung từ 10 người trở lên.
Ông Mailhos nói rằng các biện pháp hạn chế mạnh này được thực hiện nhằm nỗ lực bằng mọi giá không phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ hai để tránh những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và văn hóa.
Tổng hợp