Theo các chuyên gia, số tiền lớn được bơm vào nền kinh tế chủ yếu vào tay những tổ chức tài chính và nhà đầu tư. Điều này có thể tạo ra bẫy tiền rẻ và bong bóng tài sản tài chính.
Khi dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế thế giới vào khủng hoảng, chính phủ các nước tung hàng loạt gói cứu trợ có tổng giá trị lên đến 20.000 tỷ USD (theo số liệu của Bank of America). Các chuyên gia cảnh báo tình trạng này dẫn đến việc đồng tiền mất giá và có dẫn đến siêu lạm phát, qua đó đẩy giá tài sản như vàng và bạc lên cao.
Cùng với kim loại quý, giá chứng khoán cũng tăng mạnh từ đầu năm. Giá đồng Bitcoin từng rơi xuống mức đáy 4.904 USD/đồng do thị trường bất ổn vì tác động của dịch Covid-19 hồi tháng 3. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5, giá Bitcoin tăng trở lại quanh ngưỡng 9.000 USD và hiện giữ trên mức 10.000 USD.
“Trong thời kỳ này, các chính phủ đã và có thể tiếp tục bơm nhiều tiền vào nền kinh tế, đẩy giá vàng, chứng khoán, hàng hóa và thậm chí bất động sản lên cao, tạo rủi ro bong bóng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nói với Zing.
Đổ tiền đầu tư
Tính từ đầu năm đến nay, giá kim loại quý đã tăng gần 30%. Hồi đầu tháng 8, giá vàng thiết lập kỷ lục mới 2.075 USD/ounce. Chỉ riêng trong năm nay, 50 tỷ USD vàng thỏi đã được đổ vào các quỹ giao dịch vàng và bạc vật chất. Quỹ ETF hiện nắm giữ kim loại quý nhiều hơn mọi ngân hàng trung ương trên thế giới, ngoại trừ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Trao đổi với Zing, ông Andrew Naylor, Trưởng bộ phận ASEAN của Hội đồng Vàng Thế giới, cho rằng các nguyên nhân khiến giới đầu tư đổ tiền vào vàng cả ngắn hạn và dài hạn là tình trạng bất ổn của nền kinh tế và thị trường toàn cầu do dịch Covid-19, môi trường lãi suất cực thấp và khả năng lạm phát cao.
Sau khi lao dốc hồi đầu năm, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng bật tăng phi mã. Theo báo cáo của Oxfam, giá trị thị trường của 100 cổ phiếu tốt nhất đã tăng hơn 3.000 tỷ USD kể từ khi dịch bùng phát. Các tập đoàn lớn ăn chia khoản lợi tức khổng lồ với cổ đông.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng trung ương có thể bơm tiền vào thị trường bằng cách in thêm tiền mặt hoặc mua trái phiếu chính phủ theo chính sách nới lỏng định lượng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khẳng định ngay cả khi thu nhập của người lao động lành lặn qua khủng hoảng, không phải tất cả tiền đều được chi tiêu. Tỷ lệ tiết kiệm đã tăng vọt. Derek Tang, nhà kinh tế tại LH Meyer, mô tả đây là “mối quan hệ lỏng lẻo giữa cung tiền và lạm phát”.
Vậy số tiền được bơm vào nền kinh tế sẽ đi đâu? Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, có một số lượng lớn tiền rơi vào tay các định chế tài chính và nhà đầu tư, đẩy giá tài sản tài chính tăng vọt và có thể tạo rủi ro bong bóng tài chính.
Bong bóng tài chính
Thuật ngữ bong bóng tài chính, bong bóng giá tài sản hoặc bong bóng đầu cơ thường đề cập đến tình huống giá của một tài sản vượt quá giá trị cơ bản với biên độ lớn. Trong một bong bóng, giá của một loại tài sản tài chính bị thổi phồng, ít liên quan đến giá trị nội tại của tài sản đó.
“Khi tiền trở nên rẻ hơn, các nhà đầu tư ồ ạt tìm đến những tài sản rủi ro để kiếm lời. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến bong bóng bất động sản hồi năm 2007-2008”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Theo ông Hiếu, hiện vẫn chưa xuất hiện bong bóng trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng việc FED mạnh tay nới lỏng định lượng có thể thổi phồng bong bóng chứng khoán, bất động sản và các loại hàng hóa. “Thị trường chứng khoán đã tăng từ đầu năm đến nay. Giá vàng và bạc chạm ngưỡng kỷ lục. Ngay cả thị trường dầu cũng bắt đầu leo dốc”, vị chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận xét.
Các chính phủ đã và có thể tiếp tục bơm nhiều tiền vào nền kinh tế, đẩy giá vàng, chứng khoán, hàng hóa và thậm chí bất động sản lên cao, tạo rủi ro bong bóng.
– TS. Nguyễn Trí Hiếu
Mới đây, giới đầu tư xôn xao trước thông tin Tập đoàn SoftBank của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son đứng sau hiện tượng giá cổ phiếu các hãng công nghệ Mỹ tăng vọt trong những tuần gần đây.
Trước đó, báo Financial Times dẫn một số nguồn tin từ Phố Wall (New York) tiết lộ trong thời gian qua, SoftBank chi hàng tỷ USD mua hợp đồng quyền chọn (option) cổ phiếu công nghệ, đẩy số lượng giao dịch hợp đồng quyền chọn lên mức cao chưa từng thấy tại trung tâm tài chính Mỹ.
Trong giai đoạn này, Apple trở thành công ty 2.000 tỷ USD, giá trị vốn hóa của Amazon tăng trong một tháng nhiều hơn cả năm ngoái và CEO Tesla Elon Musk vượt qua nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet trên bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh.
Tuy nhiên, kể từ phiên giao dịch ngày 3/9, các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu công nghệ khiến nhóm cổ phiếu của những đại gia công nghệ như Apple, Microsoft, Amazon, Tesla và Nvidia sụt giảm rất mạnh. Đà giảm sâu của nhóm cổ phiếu công nghệ khiến S&P 500 ghi nhận chuỗi giảm tồi tệ nhất nhiều tháng. Tuy đã phục hồi phần nào vào phiên giao dịch ngày 9/9, lĩnh vực này vẫn giảm 8,4% trong tuần qua.
“Định giá của nhóm cổ phiếu vốn hóa siêu lớn đã vượt quá xa mức lịch sử. Các chỉ báo kỹ thuật đều cho thấy tâm lý lạc quan quá mức trên thị trường và điều này báo hiệu giai đoạn điều chỉnh sắp đến”, ông Bruce Bittles, Trưởng bộ phận Chiến lược đầu tư tại Baird, bình luận.
Các chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán không phản ánh sức khỏe thật của nền kinh tế Mỹ. “Nền kinh tế thực vẫn rất tệ hại và trái ngược hoàn toàn với sự tưng bừng của Phố Wall”, nhà kinh tế Paul Krugman – người từng đoạt giải Nobel – bình luận.
Thêm vào đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm mọi cách lấy lại niềm tin từ các nhà đầu tư trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sắp diễn ra. Nếu ông chủ Nhà Trắng tiếp tục đưa ra những chính sách mạnh tay để kích thích kinh tế, thị trường chứng khoán có thể tăng thêm.
Đối với thị trường vàng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu không loại trừ khả năng một bộ phận nhà đầu cơ cố tình thổi phồng giá vàng để kiếm lời. “Trong cuộc khủng hoảng lần này, giá vàng tăng có cơ sở. Rõ ràng khi kinh tế vĩ mô đi xuống, các nhà đầu tư trốn chạy vào những tài sản như vàng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà đầu cơ đẩy giá lên cao nhằm hưởng lợi”, ông Hiếu bình luận.
Theo ông Hiếu, giá vàng có thể rơi tự do khi nền kinh tế phục hồi giống giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, trong năm nay, giá kim loại quý vẫn sẽ tăng từ giờ đến cuối năm. Nguyên nhân là viễn cảnh nền kinh tế toàn cầu u ám và thị trường Mỹ biến động bất kể ai ngồi vào Nhà Trắng.
Lịch sử cho thấy rủi ro bong bóng tài chính có thể gây ra hậu quả lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhưng theo vị chuyên gia tài chính – ngân hàng, rất khó khăn để cân bằng hai mục tiêu ổn định và phát triển nền kinh tế.
“Tại thời điểm này, dường như đa số chính phủ đang sẵn sàng hi sinh sự ổn định vĩ mô để đưa ra các giải pháp phục hồi nền kinh tế. Việt Nam cũng cần phục hồi kinh tế. Mức độ lạm phát ở mức thấp là tốt, nhưng cần thiết hơn cả là đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng”, ông nhấn mạnh.
Theo Zing