Giá tiêu tại khu vực trọng điểm Tây Nguyên phiên hôm nay (24/6) đồng loạt giảm 1.000 đồng, khiến nhiều tỉnh mất mốc 50.000 đồng/kg. Đồng Nai ở mức thấp nhất 47.000 đồng/kg; cao nhất tại Bà Rịa – Vũng Tàu ở 50.500 đồng/kg; các tỉnh còn lại ở mức 47.500 – 49.000 đồng/kg, theo bảng giá của nguồn Tin Tây Nguyên.
Dự báo từ nay tới cuối năm, giá tiêu sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức thấp, thậm chí có thể giảm nữa do những diện tích tiêu trồng từ năm 2016 – 2017 ở các nước sản xuất lớn nay đến lúc cho sản lượng cao.
Một số chuyên gia trong ngành dự báo giá tiêu Việt Nam có thể giảm xuống chỉ 36-38 nghìn đồng/kg trong năm nay, thậm chí có thể xuống 35 nghìn đồng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 giá có thể bắt đầu hồi phục khi cung – cầu trở về mức cân bằng và nhiều doanh nghiệp tăng cường mua tích trữ nhân lúc giá tiêu thấp. Từ năm 2021 khả năng giá bắt đầu tăng lên khi sản lượng của hầu hết các nước đều giảm mạnh, kể cả ở Việt Nam. Chất lượng hạt tiêu tăng lên và chi phí lao động cao cũng sẽ góp phần đẩy giá tiêu đi lên kể từ năm tới.
Theo nguồn tin từ giatieu.com (giá tiêu được cập nhật 15 phút một lần), trên thị trường thế giới, hôm nay (24/6/2020), tại sàn Kochi – Ấn Độ, giá giao ngay chốt ở 33.180 rupee/tạ; giá kỳ hạn tháng 6/20 giữ nguyên mức 33.600 rupee/tạ.
Điều xuất khẩu có mức giá thấp
Chuyên gia cao cấp về điều dự báo, nhu cầu về điều nhân sẽ tiếp tục giữ ở mức cao năm 2020, do vậy, nhu cầu nhập khẩu điều thô của Việt Nam sẽ vẫn cao.
Dẫn nguồn Kinh tế và Tiêu dùng, nếu xu hướng diễn ra như năm 2019 thì Việt Nam sẽ nhập khẩu 946.000 tấn điều thô vào năm 2020 cộng thêm sản xuất được 400.000 tấn (chưa kể nguồn dự trữ 205.000 tấn tính đến 1/6/2020). Giả sử cầu tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm, tức là trên 15% thì nửa cuối năm, nhu cầu có thể lên đến 1,25 triệu tấn.
Ngược lại, tại Ấn Độ, tình hình khó khăn hơn. Nhu cầu về nhập khẩu điều thô sẽ thấp hơn năm 2019, nhưng vẫn trong khoảng 427.000 – 564.000 tấn, có thể giảm từ 20% đến 30% về cầu và giảm 15% về sản xuất trong nước.
Tính chung, tổng nhu cầu nhập khẩu điều thô của hai quốc gia chế biến hàng đầu thế giới nói trên đã chiếm từ 1,4 đến 1,8 triệu tấn vào năm 2020.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng về chuỗi cung ứng, đặc biệt là tại Tây Phi, khu vực gặp rất nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển điều thô từ nơi sản xuất đến cảng biển.
Cũng theo nguồn trên, tổng lượng điều thô tại Tây Phi vào khoảng 650.000 – 890.000 tấn, không đủ so với nhu cầu của Ấn Độ và Việt Nam ngay cả trong trường hợp diễn ra kịch bản xấu nhất là tiêu thụ điều nhân giảm.
Hiện nay, chủ yếu những nhà máy chế biến lớn hoạt động và có đủ lượng hàng dự trữ từ Việt Nam và Campuchia. Những lô điều đầu tiên từ Tây Phi đến Việt Nam vào tháng 5/2020, giảm 27% về lượng so với cùng kì năm 2019.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 20 ngày tháng 6, giá hạt điều xuất khẩu của Việt Nam ở mức thấp. Các nhà máy đang chào bán hạt điều loại W320 ở mức 2,6 -2,85 USD/lb; hạt điều loại W240 có giá từ 3,1 – 3,35 USD/lb; hạt điều loại W450 có giá từ 2,4 – 2,6 USD/lb.
Theo thông tin từ Hội nghị trực tuyến của INC ngày 9/6, sản lượng hạt điều thô toàn cầu năm 2020 giảm so với năm trước khoảng 21.000 tấn. Tổng nguồn cung hạt điều thô cho 2020 gồm lượng tồn cũ chuyển qua và lượng thu hoạch mới giảm 167.000 tấn so với năm 2019.
Cafe giá đảo chiều giảm nhẹ 100 đồng/kg
Giá cà phê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên phiên hôm nay (24/6) đảo chiều giảm nhẹ xuống ở 30.300 – 30.800 đồng/kg. Lâm Đồng vẫn ở mức giá thấp nhất, Đắk Lắk ở mức cao nhất; Gia Lai và Đắk Nông về mức 30.700 đồng/kg
Trên thị trường thế giới, giá hai sàn giao dịch rẽ hai hướng. Giá arabica kỳ hạn tháng 7/2020 tăng tiếp 0,3 cent, tương đương 0,31% lên mức 96,25 US cent/lb; robusta giao cùng kỳ quay đầu giảm nhẹ 1 USD, tương đương 0,09% chốt tại 1.158 USD/tấn.
Dự kiến sản lượng cà phê của Brazil sẽ ở mức kỉ lục, bao gồm 48,6 triệu bao cà phê arabica và 20,1 triệu bao cà phê robusta. Tồn kho cà phê thế giới tăng lên mức cao nhất 6 năm, đạt 42 triệu bao (loại 60 kg).
Dự trữ cà phê tại Mỹ trong tháng 5/2020 tăng tháng thứ 2 liên tiếp do hầu hết các quán cà phê của nước này bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020/21 dự kiến sẽ đạt mức cao kỉ lục 176,1 triệu bao, tăng 9,1 triệu bao so với vụ trước và vượt nhu cầu 6,4 triệu bao.
Nguồn cung cà phê toàn cầu được dự đoán sẽ chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt trong niên vụ mới do sự thay đổi hành vi người tiêu dùng đối với giãn cách xã hội.
Tổng hợp