Đà tăng của giá dầu đã khựng lại, khi lo ngại bấy lâu về “làn sóng COVID-19 thứ hai đã thành thực tế, gây ra những đe dọa mới nhưng lại cũ đối với kinh tế toàn cầu.
Bùng phát lây nhiễm mới tại Bắc Kinh hồi cuối tuần qua đã buộc chính quyền Trung Quốc đặt một phần thủ đô vào chế độ “thời chiến”. Trường học, trung tâm thể thao, trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ lại thêm một vòng đóng cửa, nhiều bốt kiểm soát được dựng lên.
Trên khắp nước Mỹ, số ca nhiễm mới đang tăng lên ở nhiều bang, ngay cả khi người Mỹ tỏ rõ mệt mỏi, miễn cưỡng khi tiếp tục phải đeo khẩu trang và tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, không giống hồi tháng ba, tháng tư – với New York là tâm dịch, làn sóng bùng phát mới có xu hướng tập trung ở các bang miền nam.
Hôm 14/6, Mỹ ghi nhận 26.000 trường hợp mắc mới, con số cao nhất tính theo ngày trong vòng một tháng qua.
“Làn sóng thứ hai đã bắt đầu”, ông William Schaffner đến từ Đại học Y Vanderbilt bày tỏ quan điểm trên kênh CNBC. Đại dịch chưa lúc nào chấm dứt và vì thế có vẻ như không có sự phân định rõ giữa làn sóng thứ nhất và thứ hai. Nhưng bùng phát những ca nhiễm mới trong vài ngày gần đây khiến các thị trường rơi vào trạng thái bán tháo.
Dầu quay đầu giảm giá vào ngày 15/6, với mức giảm 10% chỉ sau chưa đầy một tuần. Theo Bjornar Tonhaugen – người đứng đầu mạng thị trường dầu mỏ thuộc công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, lo ngại về sự khởi đầu của làn sóng COVID-19 thứ hai đã len lỏi vào tất cả các sàn giao dịch toàn cầu, từ Bắc Kinh tới Florida.
Các thị trường dịch chuyển theo các đợt sóng giữa “lòng tham” và “sự sợ hãi”.
Robert Kaplan, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh Dallas, cho rằng sức khỏe của nền kinh tế Mỹ không chỉ phụ thuộc vào gói kích thích liên bang hay mở cửa kinh tế trở lại với các doanh nghiệp, mà còn là các biện pháp bảo đảm y tế công cộng, trong đó có đeo khẩu trang cùng các bước kiểm soát khác.
“Mức độ chúng ta làm điều đó tốt đến đâu sẽ quyết định kinh tế hồi phục nhanh ở mức nào. Kinh tế sẽ tiến nhanh hơn nếu chúng ta phòng bệnh tốt hơn”, ông Kaplan chia sẻ trên kênh truyền hình CBS. Tại thời điểm này, theo ông, mức độ phòng bệnh tại các bang là không đồng đều.
Trong khi đó, số lượng dầu tại các kho dự trữ tăng lên trong những tháng vừa qua vẫn là điểm gây quan ngại. Theo hãng nghiên cứu thị trường HIS Markit, riêng Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm đã bổ sung thêm 440 triệu thùng vào kho dự trữ quốc gia, mức tăng lớn nhất so với tất cả các nước ở bất kỳ thời điểm nào.
Chính việc Trung Quốc tăng mua dự trữ đã tạo ra lực đẩy để giá dầu đi lên, tạo ra nguồn cầu trong thời điểm suy thoái sâu. Nhưng hiện không thể chắc rằng mức tăng dự trữ này sẽ tiếp tục được duy trì.
Thị trường dầu mỏ còn chịu thêm tác động đảo chiều khác. Đó chính việc giá dầu thực tế đã tăng quá mạnh trong thời gian qua, kể từ thời điểm rớt xuống đáy, tăng mạnh trước cả khi có các số liệu về bùng phát số ca nhiễm mới COVID-19. Theo báo cáo tư vấn gửi khách hàng của ngân hàng Commmerzbank, mức độ bán tháo trên thị trường dầu mỏ cuối tuần qua khởi nguồn chính từ những kỳ vọng thái quá trước đó.
Commmerzbank nhận định, thị trường dầu mỏ trước đó ở vào trạng thái “điếc một tai”: Chỉ tập trung vào các thông tin tích cực như sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ giảm, nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng mà bỏ qua các yếu tố tiêu cực khác – đó là việc COVID-19 chưa bao giờ biến mất, ngược lại đang lây lan sang những khu vực mới, nổi bật là ở Brazil.
“Triển vọng đối với thị trường dầu mỏ dường như lại một lần nữa u ám hơn do những dữ liệu kinh tế yếu kém, cùng với đó là những lo ngại về làn sóng COVID-19 thứ hai. Cầu dầu mỏ ngoài Trung Quốc vẫn yếu và đó là lý do chúng tôi nhìn nhận giá dầu còn giảm trong ngắn hạn”, Commmerzbank đánh giá.
Theo Báo tin tức