Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Thị trường năng lượng tăng trở lại sau tuần giảm đáng kể trước đó nhờ nhà đầu tư tập trung vào các dấu hiệu cho thấy lực cầu cải thiện, bất chấp lo ngại về đợt bùng phát Covid-19 thứ hai.
Cụ thể, chốt phiên 19/6, giá dầu Brent tăng 1,66% lên 42,2 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 2,34% lên 39,75 USD/thùng. Chốt tuần trước, giá dầu Brent và WTI lần lượt tăng 8,9% và 9,6%.
OPEC và các đồng minh, tức OPEC+ đang giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 7. Tỷ lệ tuân thủ cam kết trong tháng 5 là 87%. Arab Saudi lo ngại bất kỳ tuyên bố tăng sản lượng nào vào lúc này cũng có thể xóa sổ mức tăng giá 300% của WTI và 170% của Brent kể từ cuối tháng 4, trong bối cảnh lực cầu đang yếu vì các lệnh phong tỏa để phòng chống Covid-19.
Cuộc họp của OPEC+ trong tuần trước không đề cập việc gia hạn mức giảm 9,7 triệu thùng/ngày đến hết tháng 8, chỉ “tập trung vào thúc đẩy các nước chưa tuân thủ ra cam kết bù đắp vì không đạt chỉ tiêu trong tháng 5 và 6”, Oliver Jakob, công ty tư vấn chuyên về dầu PetroMatrix, trụ sở Thụy Sĩ, nói.
Những nước vi phạm cam kết bao gồm Iraq, Kazakhstan, Nigeria và Angola. Nigeria và Angola chưa nộp kế hoạch giảm sản lượng và cần hoàn tất việc này muộn nhất là vào ngày 22/6, theo Ủy ban giám sát hỗn hợp phụ trách theo dõi thỏa thuận sản lượng của OPEC+. Diễn biến này phần nào hỗ trợ thị trường năng lượng.
Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 12/6 tăng 1,2 triệu thùng lên đỉnh lịch sử mới 539,3 triệu thùng, theo số liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Trái lại, tồn kho sản phẩm tinh chế giảm 1,35 triệu thùng, trái ngược dự báo tăng 2,43 triệu thùng từ giới phân tích.
Sản lượng của Mỹ giảm còn khoảng 10,5 triệu thùng/ngày, giảm 20% so với đỉnh 13,1 triệu thùng/ngày hồi 3 tháng trước.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn không quá lạc quan về triển vọng thị trường. “Chúng tôi dự đoán giá dầu tăng trong cả năm nay nhưng sẽ chịu áp lực giá xuống trong ngắn hạn bởi quý II sắp kết thúc”, OCBC, trụ sở Singapore, cho biết.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần tiếp tục giảm 13 giàn khoan dầu đang hoạt động xuống còn 266, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, thấp nhất kể từ năm 1940.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 23/6
- Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
Ngày 24/6
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô, xăng, sản phẩm tinh chế hàng tuần.
Ngày 26/6
- Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.
Kim loại quý
Giá vàng trong tuần trước có lúc chạm đỉnh 2 tuần, vượt mốc 1.750 USD/ounce, sau khi Goldman Sachs điều chỉnh tăng dự báo giá vàng 12 tháng tới từ 1.800 USD/ounce lên 2.000 USD/ounce.
Goldman Sachs còn cho rằng giá vàng 3 tháng tới là 1.800 USD/ounce, 6 tháng tới là 1.900 USD/ounce. Hai mức giá dự báo tương ứng trước đó là 1.600 USD/ounce và 1.650 USD/ounce.
Cụ thể, giá vàng tương lai chạm đỉnh hai tuần 1.760,9 USD/ounce trong phiên 19/6 và chốt tuần tăng gần 1%.
“Nhu cầu mua vàng có xu hướng tăng trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi kinh tế, chủ yếu do các lo ngại yếu tố nền tảng suy yếu, lãi suất thấp…”, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết.
Theo NDH